Theo đó, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là từ 1-40 triệu đồng.

Dự thảo quy định, mức phạt từ 1-3 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi: Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn; sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề; hay bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức (trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền). Người hành nghề KBCB có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bệnh cũng sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.

Đối với cơ sở KBCB, nếu không công khai thời gian làm việc, không niêm yết giá dịch vụ hoặc niêm yết giá nhưng thu tiên cao hơn giá đã niêm yết sẽ bị phạt từ 10-19 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KBCB hoặc người hành nghề là người nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ngoài ra, mức phạt từ 20-30 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với cơ sở KBCB cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong KBCB...

Dự thảo nêu rõ, hành vi không tổ chức hội chẩn, mời cơ sở KBCB khác đến hỗ trợ cấp cứu hoặc chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở KBCB phù hợp khi cấp cứu vượt quá khả năng chuyên môn hay hành vi yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí KBCB mà chưa giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ KBCB sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Mức phạt 10-30 triệu đồng sẽ áp dụng đối với cơ sở KBCB không thực hiện việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo quy định; không bảo đảm đầy đủ các phương tiện vận chuyển cấp cứu phù hợp...

Về sử dụng thuốc trong cơ sở KBCB có điều trị nội trú, nếu kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng trong đơn các thông tin về tên thuốc, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốc sẽ bị phạt từ 7-15 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt 15-25 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với hành vi kê đơn thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh tật của người bệnh hoặc không theo dõi tác dụng và xử lí kịp thời các tai biến do dùng thuốc ở người bệnh do mình trực tiếp điều trị và chỉ định dùng thuốc...

Ngoài ra, dự thảo cũng dành 1 Điều quy định cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện hành nghề xoa bóp, day ấn huyệt, xông hơi thuốc. Cụ thể, nhân viên xoa bóp, day ấn huyệt, châm cứu không thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; hệ thống xông hơi thuốc không bảo đảm an toàn; lợi dụng nghề nghiệp để thực hiện hoạt động khác không vì mục đích phục hồi và nâng cao sức khoẻ; hay cơ sở hành nghề xoa bóp, day ấn huyệt, xông hơi thuốc không có bác sĩ phụ trách khi hoạt động hoặc bác sĩ vắng mặt 2 lần/năm mà không có uỷ quyền cho người khác theo quy định sẽ bị phạt từ 5-7 triệu đồng.

Theo dự thảo này, mức phạt cao nhất sẽ được áp dụng là 30-40 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm quy định về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; lấy mô, bộ phậm cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi...

Bảo Lâm