Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định nêu rõ mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến tối đa là 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như tước giấy phép hành nghề, tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy và phải phục hồi môi trường.
Một số quy định cụ thể:
Đối với hành vi xả nước thải, tùy vào cấp độ vi phạm, lượng nước thải sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500 triệu đồng, gấp hơn 7 lần so với quy định hiện hành. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, mức phạt quy định là từ 20 triệu đến 500 triệu đồng; ngoài ra còn tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 6-12 tháng...
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính như trên còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý như tạm thời đình chỉ hoạt động; buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường...
Các điều khoản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2010.
Nguyễn Hoàng