Báo tháng 8 - Hơn 10 năm trước, làn sóng biểu tình xuất phát từ Tunisia đã lan khắp Bắc Phi và Trung Đông, thay đổi thể chế chính trị của nhiều quốc gia. Các cuộc biểu tình triền miên, quy mô lớn được đặt với cái tên mĩ miều “Mùa xuân Arab”. Thế nhưng, mà xuân chưa kịp đến thì băng giá đã phủ đầy bởi nó ngay lập tức tạo khoảng trống để Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lớn mạnh, mang chiến tranh và chết chóc đến cho khu vực. Chẳng những thế, nền kinh tế, chính trị của nhiều quốc gia, vả cả chính “nơi mùa xuân bắt đầu” - Tunisia - tới nay vẫn còn chao đảo.

Ngọn lửa của những bất công, nghèo đói âm ỉ rồi bùng phát vào ngày 17-12-2010, khi Mohammed Bouazizi, một người bán hàng rong 26 tuổi ở Tunisia, tự thiêu để phản đối việc bị tịch thu chiếc xe chở rau, quả, phương tiện kiếm sống cho cả gia đình nghèo khó. Bouazizi chết sau đó hai tuần. Sự kiện được lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội Facebook, gây nên sự căm phẫn dẫn tới biểu tình, bạo loạn ở khắp đất nước, buộc tổng thống nước này Zine El Abidine Ben Ali cùng gia đình phải di cư ra nước ngoài vào ngày 14-1-2011. Các cuộc biểu tình và nhiều hình thức như: Bất tuân dân sự, chống đối dân sự, nổi dậy, bạo loạn, vận động trên mạng xã hội, đình công, chiến đấu đô thị lan nhanh sang các nước lân cận như vết dầu loang: Algeria (29-12-2010), Jordan (14-1-2011), Oman (17-1-2011), Saudi Arabia (21-1-2011), các cuộc biểu tình phản đối chính thức bắt đầu diễn ra từ ngày 11-3-2011), Ai Cập (25-1-2011), Syria (26-1-2011), Yemen (27-1-2011), Djibouti (28-1-2011), Palestine (10-2-2011), Iraq (12/2/2011), Bahrain (14-2-2011), Libya (15-2-2011), Kuwait (19-2-2011), Morocco (20/2/2011), Lebanon (27-2-2011)...

Báo cáo của Viện Nghiên cứu an ninh Liên minh châu Âu (IES) đưa ra tháng 5-2017 nhận xét: Bức tranh toàn cảnh của khu vực Trung Đông và Bắc Phi rất ảm đạm. Còn theo báo cáo của các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc, tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới hơn 600 tỷ USD, bên cạnh hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết và bị thương. Ở Tunisia, dù thay đổi Chính phủ, đất nước này vẫn lâm vào tình trạng xung đột, bất ổn trong nhiều năm kèm tham nhũng, thất nghiệp, nghèo đói. Ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài cả thập niên vẫn chưa có hồi kết, khiến 600.000 người thiệt mạng, 8 triệu người trong nước ly tán và 6 triệu người phải tìm đường tị nạn ra nước ngoài, chưa kể hạ tầng bị tàn phá tan hoang. Libya bế tắc trong một cuộc nội chiến giữa các phe phái và 25.000 người đã thiệt mạng. Ở Yemen, cuộc nội chiến “ủy nhiệm” giữa người Sunni và người Shia vẫn tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết, đã khiến khoảng 250.000 người thiệt mạng, nhiều người chết đói.

Từ đó tới nay, Tunisia đã nhiều lần thay đổi Chính phủ nhưng tình hình kinh tế, chính trị của nước này chẳng thể ổn định, thậm chí còn rơi vào khủng hoảng. Kể từ đầu năm 2021, tròn 10 năm khi chính biến diễn ra, Tunisia lại rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Hisham Al-Mashishi về một cuộc cải tổ Chính phủ. Đất nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, trong khi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh giữa lúc có cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế. Mới đây nhất, Tổng thống Saied ngày 25-7 đã giải tán Chính phủ của Thủ tướng Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Động thái này được cho là đã khiến tình hình leo thang thành cuộc khủng hoảng chính trị khi có nhiều người dân quốc gia Bắc Phi đổ ra đường bày tỏ sự ủng hộ, trong khi những người phản đối đã gọi đây là một cuộc đảo chính. Tới ngày 28-7, Tổng thống Saied cho biết ông đang giải quyết các vấn đề kinh tế và dịch Covid-19, đồng thời ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện về tham nhũng. Trong đoạn video do Phủ Tổng thống Tunisia đăng tải, Tổng thống Saied kêu gọi các doanh nghiệp nước này giảm giá hàng hóa và không tiến hành đầu cơ tích trữ. Ông cho rằng “những lựa chọn kinh tế sai lầm” đã gây ra những vấn đề tài chính nghiêm trọng cho đất nước.

Trước đó, Tòa án Tunisia đã mở cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào 3 chính đảng của nước này, bao gồm đảng Ennahda và đảng Trái tim của Tunisia. Những đảng này bị tình nghi nhận tiền của nước ngoài trong chiến dịch bầu cử năm 2019. Tổng thống Saied đồng thời sa thải Giám đốc đài truyền hình quốc gia Mohamed al-Dahach và chỉ định một nhân vật khác thay thế. Trước đó, ông đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Ibrahim Bartaji và quyền Bộ trưởng Tư pháp Hasna Ben Slimane.

Như vậy, rõ ràng 10 năm sau “Mùa xuân Arab”, Tunisia lại một lần nữa rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Khủng hoảng lần này lại khiến nhiều nước lo lắng, quan tâm để hỗ trợ Tunisia bởi họ hình dung được nếu Tunisia lại đổ vỡ một lần nữa thì hậu quả sẽ khôn lường đối với các nước trong khu vực, thậm chí với các các nước lớn. Thế nên, trước thông tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại Tunisia, cộng đồng quốc tế đã thể hiện quan ngại và lên tiếng kêu gọi giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli ngày 26-7 đã kêu gọi Tunisia giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua đối thoại và trật tự. Ông cho rằng tất cả hành động chính trị nên đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 và lợi ích của người dân. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Italy - Luigi Di Maio và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, hai bên đã thảo luận về những diễn biến đáng lo ngại gần đây ở Tunisia, đồng thời tái khẳng định cam kết chung là hành động vì sự ổn định chính trị và kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. Lãnh đạo Liên đoàn Arab (AL) và Ngoại trưởng Mỹ ngày 26-7 cũng đã tiến hành điện đàm với giới chức Tunisia nhằm thảo luận về tình hình quốc gia Bắc Phi này. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit với Ngoại trưởng Tunisia - Othman Jerandi, ông Aboul-Gheit khẳng định ủng hộ người dân Tunisia, bày tỏ hy vọng quốc gia này sẽ sớm khôi phục an ninh và ổn định. Đặc biệt, cũng trong ngày 26-7, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken cũng đã điện đàm với Tổng thống Tunisia - Kais Saied, trong đó quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ kêu gọi ông Saied duy trì đối thoại cởi mở với tất cả các nhân vật chính trị và người dân Tunisia để giải quyết tình hình. Ông Blinken cũng nhấn mạnh Mỹ cam kết hỗ trợ kinh tế Tunisia và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở quốc gia Bắc Phi này.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 18.000 người Tunisia thiệt mạng trong khi số ca mắc lên tới hơn 560.000. Những thiệt hại của “Mùa xuân Arab” chưa được khắc phục thì căn bệnh trầm kha là tham nhũng vẫn làm nền kinh tế của Tunisia kiệt quệ, khoét sâu nhưng mâu thuẫn chính trị giữa các đảng phái. Đã thế, Tunisia gần như tê liệt khi Covid-19 ập đến khiến những bức xúc trong xã hội lại bùng lên. Sự hỗ trợ, can thiệp của các quốc gia để Tunisia sớm qua được cơn sóng gió là điều cần thiết. Ấy nhưng, dư luận lại đặt vấn đề rằng những sự hỗ trợ đó khó giải quyết được căn cơ những bài toán kinh tế, chính trị hóc búa ở Tunisia mà chỉ nhằm tránh một cuộc cách mạng mới lan tràn khắp khu vực. Chả thế mà đài CNN của Mỹ phải đặt câu hỏi: Chúng ta đang chứng kiến cái kết của một nền dân chủ? Đây chính là nền dân chủ mà “Mùa xuân Arab” đã mang đến cho đất nước này.

Thanh Huyền