Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp học sinh có kỳ nghỉ hè vừa ý nghĩa và thêm hiểu biết về thiên nhiên.

Sân chơi ngày hè cho học sinh là vấn đề không mới, nhưng vẫn làm bố mẹ “đau đầu” tìm giải pháp mỗi độ hè sang. Phụ huynh phải tìm chỗ học, chỗ chơi ở đâu để phù hợp với nhu cầu và quản lý được con em mình hay làm thế nào để con trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, an toàn lành mạnh?

Nhiều nỗi lo khi hè về

Chỉ mới đầu hè, nhưng ở nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Tại tỉnh Đắk Lắk, ngày 1-5, hai em học sinh tiểu học xin phép gia đình đi chơi cùng nhau. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, không thấy hai em đâu nên gia đình đi tìm thì phát hiện cả hai em đã tử vong dưới hồ nước gần nhà. Còn tại tỉnh Nghệ An, chỉ trong 5 ngày (từ 25 đến 30-4), đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 em học sinh…

Tại tỉnh Quảng Trị, ngày 26-4, một nhóm học sinh đến một cầu nhỏ bắc qua kênh thủy lợi tại phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị chơi thì 3 học sinh té ngã xuống kênh, 1 bé được cứu, 2 nạn nhân còn lại bị nước cuốn, tử vong. Trước đó, ngày 23-4, một học sinh lớp 7 (trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh) cũng tử vong do đuối nước ở đập Động Lòi, thuộc xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ)…

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có tới hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tập trung chủ yếu vào thời gian nghỉ hè. Đó là chưa kể những tai nạn thương tích khác như điện giật, bỏng, ngã do leo trèo... Bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong thời gian nghỉ hè là vấn đề đặt ra cấp thiết, là lương tâm, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, các ban, ngành chức năng và cả cộng đồng.

Bên cạnh việc bảo đảm an toàn thì một vấn đề khiến không ít phụ huynh “đau đầu” là làm gì để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh. Cuối tháng 5, hai con trai lớp 1 và 5 mới được nghỉ hè, nhưng từ đầu tháng chị Anh Thư ở Hà Nội đã phải đi tìm lớp học hè cho con, vì không thể để hai đứa ở nhà ăn rồi lại nằm và xem tivi. Sau nhiều ngày đắn đo, chị Anh Thư quyết định cho hai con tham gia trại hè âm nhạc từ ngày 5 đến 28-6, với chi phí 13 triệu đồng/học sinh, bao gồm: Học phí, tiền ăn, đồng phục và học cụ, dã ngoại và bảo hiểm. Tại đây, các con học cảm thụ âm nhạc, làm quen với nhạc cụ, nhảy, hát tiếng Anh...

Nhiều phụ huynh cũng đang đôn đáo tìm nơi học hè cho con, phần vì không muốn con quên kiến thức, phần vì không có thời gian ở nhà trông. Nắm bắt được nhu cầu này, các trường tư thục ở Hà Nội đồng loạt mở khóa học hè, trại hè cho học sinh, với nhiều lớp học và mức giá khác nhau.

An toàn cho học sinh - trách nhiệm của toàn xã hội

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho rằng: Việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho học sinh vào dịp hè là điều rất quan trọng, cần sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước, điện giật... đến học sinh, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em... Tuy nhiên, để những chỉ đạo này biến thành kết quả trên thực tế rất cần mỗi cá nhân, tổ chức và cả cộng đồng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, với tất cả tình yêu thương con trẻ.

Rõ ràng, chỉ khi chính quyền, đoàn thể, các bậc phụ huynh... hành động một cách quyết liệt với những cách làm linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở tình yêu thương, đề cao trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước thì trẻ em mới có thể được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất. Với một mùa hè đặc biệt như năm nay, mỗi gia đình, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có những cách làm phù hợp. Ở những khu vực dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, phụ huynh có thể định hướng cho con em mình các hoạt động như: Đọc sách, truyện; chơi các trò chơi trong nhà; tham gia các lớp học kỹ năng sống, đàn, hát, ngoại ngữ... theo hình thức trực tuyến kết hợp động viên, hướng dẫn con em làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ... Những nơi dịch được kiểm soát, ngoài những hoạt động nêu trên, cha mẹ, tổ chức đoàn địa phương có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời một cách phù hợp. Đồng thời, cần chủ động giáo dục, hướng dẫn, tăng cường quản lý để các em có thể nhận biết, tránh xa những mối nguy hiểm như ao hồ, hố sâu, điện giật...  

Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình nhằm bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi, để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể trong công tác này đến các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an; cùng sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội.

Võ Hóa