Mặt trận B3 (Tây Nguyên) trong kháng chiến chống Mỹ là chiến trường rừng núi ác liệt, xa hậu phương, địa hình cách trở, vận chuyển khó khăn nên thiếu thốn về mọi mặt, nhất là lương thực, thực phẩm. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, địch tập trung đánh phá, ngăn chặn sự vận chuyển của ta, B3 càng khó khăn. Có thời điểm, khẩu phần ăn của bộ đội chỉ được 1,2 lạng gạo/ngày, có đơn vị phải nhịn đói đánh giặc. Vì vậy từ đầu năm 1969, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, đồng thời rút 10% quân số chiến đấu làm nhiệm vụ sản xuất để tự túc một phần lương thực, thực phẩm. Sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, Mặt trận chủ trương để một bộ phận làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, còn lại rút về tuyến sau củng cố, huấn luyện và tăng gia sản xuất.

Đầu tháng 4-1973, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 (Sư đoàn 320) đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở tuyến tiếp xúc làng Yít - đồn Tầm (nay thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai) thì được lệnh bàn giao cho đơn vị bạn, rút về phía sau. Vị trí đóng quân của đơn vị là một vạt rừng non cách ngã ba Phước Thiện hơn 3km về phía Tây Bắc. Sau hơn nửa tháng lao động khẩn trương, khu hậu cứ của đơn vị với đầy đủ nhà chỉ huy, nhà bếp, nhà ở của từng tiểu đội theo kiểu nhà âm nửa nổi nửa chìm đã hoàn thành. Đơn vị bước vào học tập, huấn luyện, kết hợp tăng gia sản xuất.

Do mùa mưa đến nên đơn vị chọn một số rẫy cũ của đồng bào đã bỏ, tiến hành phát cây dọn cỏ, làm đất để trồng đậu, lạc... Đất ở đây khá màu mỡ, trồng đúng vụ, lại được chăm bón kịp thời nên cây trồng phát triển nhanh. Ba tháng sau, cùng với hoàn thành tốt đợt huấn luyện, đơn vị có một vụ đậu, lạc bội thu. Bữa ăn của chúng tôi có thêm canh đậu xanh, giá xào, lạc nhân kho. Vì thế, sức khỏe nhanh chóng được phục hồi sau những ngày chiến đấu ác liệt, ăn uống kham khổ.

Mùa khô đến, địch gia tăng các hoạt động phá hoại Hiệp định Pari. Quân đoàn 2 ngụy ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, cho quân lấn chiếm khu vực đường 14, 19, 21; đặc biệt, chúng có kế hoạch mở đợt tiến công chiếm lại Võ Định ở bắc Kon Tum và Đức Cơ ở phía tây Pleiku. Để chủ động đánh địch, cuối tháng 8-1973, Sư đoàn 320 được giao mở đợt tiến công vào khu vực tây Pleiku, trong đó có căn cứ biên phòng Chư Nghé nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Đại đội tôi được giao tăng cường cho Trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt căn cứ này của địch. Đợt hoạt động của sư đoàn diễn ra gần 1 tháng và đã hoàn thành tốt mục tiêu, trong đó căn cứ Chư Nghé do tiểu đoàn 80 biệt kích biên phòng ngụy trấn giữ đã bị xóa sổ.

Đầu tháng 12-1973, tiểu đoàn bộ và đại đội tôi di chuyển sang phía đông đường 15, cách vị trí cũ hơn 5km. Nơi đây có suối Ia Krêl chảy qua, rất thuận tiện cho việc trú quân và tăng gia. Chỉ hơn nửa tháng, khu doanh trại với những ngôi nhà nửa nổi nửa chìm khung gỗ, mái tranh, vách thưng bằng nan tre lồ ô khá đẹp, vững chãi, có hầm tránh phi pháo chắc chắn nép dưới tán cây xanh đã hoàn thành. Đây là cơ ngơi đàng hoàng nhất của chúng tôi từ ngày vào chiến trường B3.

Hoàn thành nơi ăn ở được ít ngày thì vào chiều mồng 1 Tết Dương lịch 1974, địch cho trực thăng đổ một toán thám báo xuống Chư Nghé (ta đã giải phóng 4 tháng trước) cắm cờ rồi loan tin “đã tái chiếm được Chư Nghé”, đơn vị lập tức được lệnh cơ động đi làm nhiệm vụ. Tuy chỉ là trò lừa bịp dư luận, nhưng đề phòng chúng làm thật, chúng tôi phải mất hơn 1 tháng ở lại Chư Nghé.

Qua Tết Giáp Dần, chúng tôi trở về thì đúng mùa làm rẫy. Sau ít ngày củng cố, đơn vị bước vào phát rẫy chuẩn bị cho vụ trồng trỉa mới. Để giữ bí mật nơi đóng quân, đơn vị chọn khu rẫy cũ của bà con đã bỏ từ lâu, cách chỗ ở 15 phút đi bộ. Hằng ngày, chúng tôi cứ sáng dậy, ăn cơm xong là mỗi người một dao, một bi đông nước ra làm rẫy. Sau hơn 3 tuần miệt mài, đơn vị đã có 2 rẫy, mỗi cái gần 3ha.

Hơn 1 tháng học tập huấn luyện, cây đã khô, đơn vị tổ chức đốt rẫy. Công đoạn này còn nặng nhọc hơn cả khi chặt cây, vì phải đốt, dọn, khênh vác các đoạn cây cháy dở xếp ra ngoài trong điều kiện nắng nóng, bụi bặm, người lúc nào cũng đẫm mồ hôi, mặt mũi nhem nhuốc tro than.

Khi đất đã nguội, tơi xốp và chuẩn bị có những cơn mưa đầu mùa là bắt đầu gieo hạt. Lúa giống là loại lúa rẫy, hạt to tròn của đồng bào địa phương mà tiểu đoàn tổ chức mang gạo đi đổi về cấp cho các đơn vị. Chúng tôi gieo trồng theo cách “chọc lỗ, bỏ hạt” của bà con. Đơn vị dành ra một khoảnh để trồng lạc, đậu xanh, đậu đen, bầu, bí, mướp, dưa leo.

Khi lúa lên được hơn gang tay thì địch cho Trung đoàn 47 đổ 2 tiểu đoàn ra giải tỏa đường 5A ở khu vực làng Không Tên; đơn vị tôi được lệnh phối thuộc với Tiểu đoàn 631 tiêu diệt địch. Hơn một tháng sau hoàn thành nhiệm vụ trở về thì lúa đã vào kỳ con gái, bộ phận ở nhà làm cỏ kịp thời lại có mưa đều nên lúa xanh tốt. Đậu thì trái đâm tua tủa. Bầu, bí, mướp, dưa leo cũng bắt đầu kết trái. Rồi đậu chín, lạc già. Chúng tôi vừa huấn luyện vừa tranh thủ hái đậu, thu lạc, bầu bí…

Thấm thoắt lúa đã cho thu hoạch. Chúng tôi cứ mỗi người một gùi (mượn của bà con làng Do) đeo sau lưng đi dọc theo hàng lúa, hai tay đón tuốt từng bông rồi ném vào gùi ở phía sau. Ai không có gùi thì dùng chậu chia cơm, tuốt đầy thì mang ra đổ vào bao ở đầu bờ. Có lúa mới, đơn vị quyết định cho anh em liên hoan mừng cơm mới. Để đủ gạo cho 70-80 người ăn một bữa, chúng tôi phải dùng 5-6 chiếc mũ sắt của địch làm cối rồi thay nhau giã cả buổi sáng mới được hơn 20kg gạo. Cơm gạo mới dẻo thơm, ăn với chả đậu xanh, lạc rang muối sao mà ngon đến thế!

Nhờ tăng gia sản xuất mà bữa ăn của chúng tôi được cải thiện rất nhiều. Chỉ tính riêng mùa rẫy năm ấy, sau khi đã sử dụng cho đơn vị theo quy định, trước khi cơ động vào phía nam Gia Lai để chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, toàn tiểu đoàn còn giao lại cho địa phương gần 50 tấn thóc. Ngày ấy ở B3, số thóc đó là không nhỏ!

Hùng Tấn