(Trận không chiến chiều ngày 19-5-1967)

Ngày 19-5-1967, không quân Mỹ huy động lực lượng lớn máy bay đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội và khu vực xung quanh. Buổi sáng, Biên đội MiG-17 của Trung đoàn không quân 923 đã chủ động chặn đánh 8 chiếc F-4 của địch từ hướng tây nam, cản phá thành công trận tập kích của chúng vào Hà Nội.

Buổi chiều ngày 19-5, Mỹ tiếp tục huy động đội hình số lượng đông máy bay F-4B, F-8 và A-4 của Mỹ từ các tàu sân bay USS Ăngtơ Prizơ và USS Kisty Hốc trên Biển Đông tập trung đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ và một số mục tiêu khác ở Hà Nội.

Lúc 14 giờ 24 phút, Sở Chỉ huy Không quân lệnh cho Biên đội 4 chiếc MiG-17, gồm Trần Minh Phương, Nguyễn Văn Thọ, Dương Trung Tân, Nguyễn Văn Phi cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Hai phút sau, biên đội 2 chiếc gồm Phan Điệt, Phan Thanh Tài cũng được lệnh cất cánh tham chiến. Cả hai biên đội vòng xuống phía nam, nâng độ cao và bay vào vùng trời Thanh Oai, Quốc Oai tiếp cận đối thủ.

Khi phát hiện mục tiêu, Biên đội đi trước báo cáo phát hiện nhiều F-4, F-8 và A-4 cách 6km. Lập tức cả hai biên đội đều được lệnh bỏ thùng dầu phụ, tăng tốc, lao vào không chiến. Trận không chiến giữa 6 chiếc MiG-17 với các lọai máy bay tiêm kích hiện đại được các giặc lái lão luyện điều khiển đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Phi công Phan Thanh Tài và phi công Phan Điệt, mỗi người bắn rơi 1 chiếc F-4; trong đó có chiếc F-4 do Trung tá Richard Rich và Thiếu tá R.Stark điều khiển đã bị bắn rơi trong khi ném bom mục tiêu mặt đất. Trung tá R. Rich tử trận, còn Thiếu tá R. Stark khị nhảy dù, bị bắt. Sau đó, phía Mỹ còn mất 1 chiếc F-4 khác. Đây là chiếc F-4B do Trung úy Joseph Charles Plumb và Trung úy Gareth Laveme Anderson điều khiển bị bắn hạ ở phía tây nam Hà Nội. Cả hai giặc lái đều kịp nhảy dù và bị bắt.

Sau khi bắn rơi 2 chiếc F-4, máy bay của Phan Thanh Tài và Phan Điệt bị vây quanh bởi nhiều máy bay đối phương. Máy bay của Phan Thanh Tài và Phan Điệt đã trúng tên lửa không đối không của địch. Phan Thanh Tài nhảy dù không thành công và đã anh dũng hy sinh. Phi công Phan Điệt nhảy dù ở độ cao thấp, không đủ thời gian để xử lý kỹ thuật, tiếp xúc mặt đất va chạm mạnh, bị chấn thương nặng.

Cũng không chiến với đội hình rất đông máy bay địch, máy bay của phi công Trần Minh Phương (số 1) và Nguyễn Văn Phi (số 4) đã trúng tên lửa của đối phương. Nhưng trước khi hy sinh, Trần Minh Phương đã kịp bắn trọng thương một chiếc F-8C. Đại tá phi công Nguyễn Văn Thọ nhớ lại trận kịch chiến chiều ngày 19-5-1967: “Khoảng 1 giờ chiều, Biên đội nhận lệnh cất cánh lần thứ hai. Khi Biên đội MiG-17 nhận được thông báo có máy bay địch cách 5km, tôi bay số 4, phát hiện 8 chiếc F-8 của hải quân Mỹ đang bay ngang phía sau đội hình MiG khoảng 5km… Các máy bay Mỹ đang phóng tên lửa, tôi nhanh chóng lật úp, kéo xuống để tránh tên lửa; nhìn thấy 2 rồi 4 quả tên lửa lao về phía đội hình MiG, tôi vừa vòng gắt tránh tên lửa, vừa hô cho đồng đội biết. Thấy máy bay của số 1 Trần Minh Phương (máy bay số 1 hôm đó sơn màu xám) đã trúng tên lửa của đối phương, tôi bay theo, hô: Nhảy dù! Nhưng không thấy Trần Minh Phương nhảy dù… Máy bay của phi công Phan Điệt (1 trong 18 phi công tốt nghiệp khóa đầu của Trường Không quân Việt Nam) cũng trúng tên lửa của F-8, anh nhày dù ở độ cao thấp, dù chưa kịp mở hết, nên anh tiếp đất nặng, bị liệt hai chân… Khi phát hiện 1 chiếc F-8 khác bám sát phía sau, tôi làm động tác cơ động gấp; chiếc F-8 bị trúng đạn cao xạ, bốc cháy ngay trước mũi máy bay MiG của tôi. Tôi nhanh chóng tìm khoảng trống thoát ly xuống thấp, bay về sân bay. Ngay lúc đó, tôi phát hiện 1 chiếc máy bay bay phía sau, đang định quay lại phản kích, thì phi công Dương Trung Tân báo là MiG của ta. Hai chiếc MiG-17 tập hợp bay về hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Máy bay của Tân bị thương nhẹ”.

Như vậy, ngày 19-5-1967, Không quân nhân dân Việt Nam đã có trận không chiến ngoan cường trước đội hình rất đông của không quân Mỹ với các loại máy bay tối tân, hiện đại và giặc lái già giặn; cản phá thành công trận tập kích của địch vào Hà Nội và đã bắn hạ 3 máy bay địch, 1 chiếc bị thương nặng; 1 giặc lái tử trận, 3 giặc lái bị bắt. Nhưng trong trận “Quyết tử cho Hà Nội quyết sinh” đó, 4 chiếc MiG-17 bị rơi, 3 phi công anh dũng hy sinh.

                Duy Hưng