Gần một tháng nay, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên truyền hình, báo điện tử, kể cả trang mạng xã hội thường xuyên đưa hình ảnh bộ đội vận chuyển nước về giúp dân ở bản này, làng kia trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên đang bị hạn hán. Việc làm đó phần nào làm mát lòng người xem.
Bộ đội giúp đỡ nhân dân không trống dong cờ mở, mà rất thiết thực và hiệu quả: Bộ đội Hải quân dùng xe téc chở nước sạch đến tận bản làng; bộ đội Hậu cần khảo sát khoan giếng nước ngầm; bộ đội Biên phòng tìm mạch nước trên nguồn kéo đường ống, xây bể chứa, đưa nước về tận bản giúp bà con “vượt khát” không chỉ trước mắt mà còn lâu dài…
Nhưng sao mới chỉ có các đơn vị Quân đội? Và các đơn vị Quân đội thì cũng mới chủ yếu là những đơn vị đóng quân tại chỗ đến giúp dân, trong khi hạn hán kéo dài, trải rộng trên nhiều địa bàn, tình trạng đồng bào thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng; có trường học các em học sinh phải đi vét từng ca nước về uống (cuộc sống thiếu nước nghiêm trọng hơn thiếu gạo).
Thiết nghĩ, trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” hiện nay, các đơn vị Quân đội, Công an có thể “gác” những công việc chưa thật cấp thiết để “ra quân” về giúp dân chống hạn, làm nòng cốt cùng địa phương, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, nhất là các tổ chức đoàn thể như Hội CCB, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... cùng tham gia, dấy lên thành phong trào rộng lớn trong cả nước về “giúp đỡ đồng bào bị hạn hán”. Hình thức giúp dân cũng phải linh hoạt, sao cho hiệu quả, với tinh thần “người có của giúp của, người có công giúp công”, tránh phô trương hình thức. Kinh nghiệm chống hạn chủ yếu cần phương tiện, còn chống lũ cần đông người.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chắc chắn phong trào sẽ không những góp phần thiết thực khắc phục khó khăn cho đồng bào đang bị hạn hán mà còn khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc - truyền thống “thương người như thể thương thân”.
Huy Nguyễn