Đại tá CCB Lê Hải Triều - quê Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3, nguyên cán bộ biên tập Nhà xuất bản QĐND; trưởng thành từ một người lính, những năm tháng trận mạc gắn chặt với chiến trường Tây Nguyên. Nơi đó ông có rất nhiều kỷ niệm vui - buồn. Sau đây là “một cú sốc” trên đường hành quân vào chiến trường, được ông ghi lại:

“…Cuối tháng 5-1967 (sau mấy tháng huấn luyện tại Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 338 ở Thanh Hóa), chúng tôi hành quân đến cao nguyên Pôlôven của nước bạn Lào. Cao nguyên tương đối bằng phẳng. Những rừng cây to cao thẳng tắp như rừng trồng. Hành quân trên cao nguyên đỡ vất vả hơn, nhưng việc kiếm rau, kiếm măng rất khó khăn. Chúng tôi thèm rau ghê gớm. Ở rừng này, tôi chỉ biết một loại cây moi (thân dày, có vị chua) ở quê tôi có rất nhiều, người dân thường lấy về phơi khô ăn dần.

Chúng tôi hành quân trên cao nguyên Pôlôven hơn chục ngày, lại phải leo đèo, vượt suối. Núi ở Nam Lào cao. Có khi buổi sáng ở chân núi, hành quân đến khoảng 3 giờ chiều mới lên đỉnh. Dốc cao, đầu người đi sau chạm vào chân người đi trước. Nhiều chỗ, người ta buộc những sợi song, hoặc nhưng cây gỗ nhỏ làm tay vịn… Tôi vì quen vất vả nên leo núi, vác nặng vẫn cảm thấy bình thường. Nhìn Minh (quê Ái Mỗ, Sơn Tây) mặt tái mét, môi nhợt nhạt, thương quá; tôi bảo Minh: Đưa cho tớ bao gạo. Nhưng Minh bảo: Ông cũng nặng rồi, mang làm sao được?

- Đã bảo mang được - tôi quả quyết.

Minh miễn cưỡng đưa cho tôi bao gạo. Tôi buộc bao gạo của tôi ngang lưng, còn bao gạo của Minh tôi vác trên vai trái, vai phải đeo khẩu AK. Cứ thế leo dốc. Tôi vừa đi vừa nhẩm đếm từng bước. Mọi người mồ hôi ướt đầm, cứ thế lầm lũi bước. Đến tầm 10 giờ trưa, chúng tôi nhìn lên thì thấy một khoảng sáng. Tưởng là đỉnh núi, nhưng trèo lên đến nơi mới chỉ là dông núi (lưng chừng núi). Phải đi 5 tiếng nữa mới tới đỉnh…

Những ngày hành quân vất vả, thêm vào đó ăn uống kham khổ, thiếu rau xanh nên phá sức bộ đội ghê gớm. Tiểu đội phó Hán, người cao tuổi nhất tiểu đội là người gục ngã đầu tiên. Chính trị viên đại đội Nguyễn Xuân Sinh nói nhỏ với tôi:

- Triều xem, Hán to khỏe nhất tiểu đội mà kêu ốm, bỏ cơm, chắc là hắn tư tưởng.

Tôi rất ngạc nhiên, làm sao một cán bộ chính trị, không cho y tá khám bệnh cho anh Hán, không trực tiếp gặp gỡ hỏi han xem bệnh tình thế nào, mà lại truy chụp cho người ta là bệnh tư tưởng. Nghe Chính trị viên đại đội nói vậy, tôi chỉ buồn, làm thinh. Tôi nhìn anh Hán da tái xám, môi khô, mắt vàng, mà thương! Ba ngày đầu, anh còn cố gắng vác súng, đeo bao gạo. Sang ngày thứ tư, anh không gượng dậy đi được nữa. Chính trị viên Sinh cho người lấy bao gạo buộc ngang lưng anh Hán, kéo đi. Thấy vậy, tôi nói với anh Sinh:

- Anh Hán ốm thật đấy Chính trị viên ạ. Đại đội nên gửi anh vào bệnh xá trạm giao liên, anh ấy khỏi sẽ đuổi theo đơn vị sau.

Nhưng anh Sinh nói: Không được! Gần đến chiến trường rồi, nếu cứ ốm lại gửi vào bệnh xá trạm giao liên thì mấy chốc đơn vị còn được mấy người?

Tôi nghĩ bụng, ông này lại nặng về thành tích đây. Mấy ngày ở Thanh Hóa làm báo tường, được gần ông ấy, tôi đã phát hiện máu thành tích của ông… Tôi mạnh dạn dãi bày:

- Theo em, anh Hán không phải tư tưởng đâu, em ở với anh ấy, em biết. Anh Hán ốm thật đấy. Nếu anh cứ ép anh ấy đi, em sợ anh ấy không đủ sức.

- Còn đi được thì đi. Lúc nào nó không đi được nữa thì sẽ gửi vào bệnh xá cũng không muộn - anh Sinh nói.

Đến ngày thứ bảy, sáng ra, tôi đến võng anh Hán hỏi: Anh thấy trong người thế nào?

Anh Hán thều thào: Tôi không sống được nữa rồi Triều ạ!

- Sao lại thế! Anh phải sống cùng chúng em. Nói rồi, tôi chạy đến gặp anh Bá - Tiểu đội trưởng, nói mà chực khóc:

- Anh Bá, anh Hán kiệt sức rồi, anh báo Chỉ huy đại đội đưa anh ấy đi viện ngay đi.

Anh Bá chạy lại, đặt tay lên trán anh Hán, rồi chạy vội đến chỗ Chỉ huy đại đội. Lúc này, đại đội mới cho y tá xuống khám bệnh và viết giấy giới thiệu đi Bệnh xá Binh trạm 37.

Đặt anh Hán lên võng; tôi khiêng một đầu, Minh khiêng một đầu, lưng tôi vẫn đeo ba lô. Còn ba lô của anh Hán để lên võng. Thấy tình trạng nguy kịch của anh, chúng tôi bảo nhau vừa đi vừa chạy. Cũng may, đoạn đường này khá bằng phẳng, rộng nên dễ đi.

9 giờ sáng ngày 28-6-1967, chúng tôi được một cô giao liên dẫn đường, cáng anh Hán đến phòng cấp cứu của Bệnh xá Binh trạm 37. Các y bác sĩ khẩn trương làm mọi việc có thể để cứu anh. Nhưng tất cả đã muộn! Trái tim anh ngừng đập vào tầm 9 giờ rưỡi sáng ngày hôm đó. Tôi và Minh òa khóc như trẻ con; phần vì thương anh Hán, phần vì hận vị chỉ huy hẹp hòi, máy móc đến tàn nhẫn… Tôi chỉ biết anh Đinh Ngọc Hán quê huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Cái chết của Tiểu đội phó Hán gây cú sốc mạnh trong đại đội tôi. Một cú sốc đáng tiếc ngay trên đường ra trận. Anh em trong đại đội biết chuyện đều oán trách Chính trị viên đại đội. Từ đó, nét mặt của anh Sinh, nhất là đôi mắt sâu, to của anh hình như không dám nhìn vào mắt anh em tôi. Tôi biết anh buồn và ân hận vì sự vô tình, hẹp hòi của anh mà đã làm mất đi một người đồng đội…!”.

Đại tá Lê Hải Triều