CCB, thương binh 2/4 Trần Trọng Ân quê huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 1982 ông tình nguyện nhập ngũ; chiến đấu và bị thương tại chiến trường Campuchia với tỷ lệ thương tật 71%. Năm 1986 ông trở về địa phương, đời sống gia đình rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, 6 năm ông vừa đi học nghề làm giày dép vừa tích lũy kinh nghiệm. Được Hội CCB và Phòng LĐTBXH quận giúp vay vốn Dự án quỹ “Xóa đói giảm nghèo” 150 triệu đồng, ông mở cơ sở sản xuất tại nhà với 1 máy dập, 8 máy may và 8 máy chà đế, rồi huy động anh em, vợ con cùng sản xuất, tự tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất, tự tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm. Mẫu mã giày dép luôn đa dạng, phong phú và trên hết là chất lượng sản phẩm nên việc kinh doanh của cơ sở phát triển rất tốt. Từ năm 2000 đến nay, ông tạo việc làm cho 20 lao động, phần lớn là thương binh (trong đó có 1 thương binh nặng cụt 2 chân), hội viên và con em CCB, thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, cơ sở sản xuất luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Mỗi năm ông giúp trên 30 hội viên CCB và người nghèo vay 180 triệu đồng không lãi; tặng 10 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho con CCB chăm ngoan học giỏi với số tiền 1 triệu đồng/suất. Ông còn ủng hộ xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa trên 60 triệu đồng; ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Hội khuyến học” trên 30 triệu đồng; góp quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, “Nghĩa tình đồng đội”... trên 100 triệu đồng.

Tấm gương làm kinh tế giỏi, năng động của CCB, thương binh Trần Trọng Ân nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng, trong đó có 3 Bằng khen của T.Ư Hội  CCB Việt Nam, 4 Bằng khen của Bộ LĐTBXH...

Đình Nguyên