Một trong những khẩu hiệu của “Tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” 2009 là mỗi người tiêu dùng (NTD) hãy là một thanh tra viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Hiện nay, đa số NTD chỉ có “kinh nghiệm” và “niềm tin” để đưa ra quyết định mua một sản phẩm và công cụ để họ kiểm tra chất lượng là các giác quan. Trong khi đó thời gian gần đây hàng loạt các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng chỉ được cơ quan chức năng phát hiện khi đã được đưa vào thị trường với khối lượng lớn như: hương liệu quá hạn sử dụng, nước uống đóng chai không đạt tiêu chuẩn VSATTP, mì chính giả, bao bì ghi sai các thông tin về sản phẩm... khiến NTD hoang mang. Hai đơn vị được biết đến nhiều trong việc bảo vệ lợi ích và quyền lợi của người tiêu dùng là Ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại) và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) nhưng hoạt động còn rất hạn chế vì lực lượng quá mỏng và thiếu kinh phí trước tình trạng số lượng khiếu kiện ngày càng nhiều, thủ đoạn của các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng tinh vi.

Nói chung, nhận thức về pháp luật của NTD còn thiếu, có tới 70% dân số sống ở vùng nông thôn ít được tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng. Bác Đỗ Xuân Vĩnh, hội viên Hội CCB xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Các cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và công bố rộng rãi những cơ sở sản xuất kinh doanh không tuân thủ đầy đủ các các quy định VSATTP cho người dân biết. Là một thanh tra viên quả thật khó nhưng trước những thực trạng hiện nay, mỗi hội viên chúng tôi thường xuyên tự trang bị thêm kiến thức, làm gương và nhắc nhở con cháu nâng cao ý thức về VSATTP để bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ nòi giống”. Việc phổ biến kiến thức về pháp luật cho NTD là rất cần thiết để mỗi người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác VSATTP.

Mai Phương