Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Công chính giao thông Cục, thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó đổi tên thành Giao thông công binh Cục, rồi Cục Công binh, được Bác Hồ tặng cờ “Mở đường thắng lợi” năm 1952. Trải qua 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng Công binh và lực lượng công binh toàn quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Lực lượng công binh được xây dựng có tổ chức phù hợp, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ ở 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và cả 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.
Trong thời bình, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ của binh chủng và lực lượng công binh toàn quốc đã có sự phát triển vượt bậc, chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng cao. Hệ thống trang bị kỹ thuật từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại; chất lượng giáo dục tại các trường có bước phát triển mạnh mẽ. Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến kỹ thuật được triển khai rộng khắp, nhiều đề tài được ứng dụng hiệu quả... Lực lượng công binh còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đội công binh có mặt trên những địa bàn khó khăn phức tạp, từ rừng núi biên giới đến biển đảo xa xôi làm nòng cốt trong việc xây dựng hệ thống giao thông trong khu vực phòng thủ, nhiều công trình kinh tế có ý nghĩa chính trị quy mô lớn, phức tạp như công trình lưỡng dụng ở biển đảo, đường điện 500KV Bắc-Nam, thủy điện Đa My (Hàm Thuận), A Vương (Quảng Nam), âu tàu đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Song Tử Tây (Khánh Hòa), công trình đê chắn sóng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), xây dựng đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn và các tuyến đường trên đảo Phú Quý…
Lực lượng công binh đã làm tốt trong thực hiện Dự án xây dựng đường tuần tra biên giới trên đất liền, phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm sát, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế, xã hội. Đường tuần tra biên giới từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận với tổng chiều dài 14.251km, trong đó thực hiện nâng cấp mở mới 10.196km với 8.000km đường ô tô. Các đơn vị công binh đã thực hiện đúng quy trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Đặc biệt Binh chủng Công binh được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao làm nòng cốt trong công tác dò tìm, xử lý bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Bộ đội công binh đã phát huy thế mạnh về con người, trang bị kỹ thuật hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trung bình hàng năm, các đơn vị dò tìm, xử lý, thu gom hàng trăm tấn bom mìn, vật nổ, giải phóng khoảng 20.000 ha đất đai, góp phần bảo đảm an toàn cho sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.
Lực lượng công binh còn chủ động nắm tình hình, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sập đổ công trình, bảo đảm giao thông… Nổi bật là các đợt ứng cứu khắc phục hậu quả lụt bão ở miền Trung, tham gia bảo đảm giao thông, bắc cầu phao trên sông Hồng tại bến phà Khuyến Lương và để sửa chữa cầu Thăng Long, bắc cầu phao trên sông Đuống để sửa chữa cầu Đuống… góp phần làm giảm ùn tắc giao thông được nhân dân khen ngợi.
Với kết quả đạt được trong thời kỳ đổi mới, năm 2011 Binh chủng Công binh anh hùng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng. Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, Binh chủng Công binh tiếp tục phấn đấu với tinh thần: Đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: Xương Giang