Nhưng rồi gần đây có việc phải tìm hiểu những bài liên quan nên thấy “chình ình” cái bài “Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng” của tác giả Nguyễn Khắc Mai, xưng là nhà nghiên cứu Minh triết Việt. Bài đang lan trên các trang có khuynh hướng chống phá Nhà nước Việt Nam.
Tìm hiểu chút nữa thì thấy Nguyễn Khắc Mai là Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam, một trung tâm ra đời năm 2008, thuộc Liên hiệp các Hội KHKT. Ông Mai không chỉ viết một bài đó mà còn có nhiều bài về minh triết khác nữa, không chỉ bàn về minh triết mà còn dùng minh triết bàn về chính trị, khiến tôi tò mò tìm hiểu. Và tôi “ngã bổ chửng” bởi thứ “minh triết du côn” của Nguyễn Khắc Mai. Đúng là “minh” với chả “triết”!
“Minh triết” theo nghĩa chung nhất của từ là hiểu biết một cách sáng suốt. Vậy mà trong bài “Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng”, đang lan truyền trên mạng, ông ta viết: “Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi “xin công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh”. Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy… Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cáí đuôi định hướng XHCN làm gì”.
Viết vậy, là chứng tỏ Nguyễn Khắc Mai chưa hiểu về các vấn đề kinh tế. Trong thương mại quốc tế, người ta cần xem xét tính chất thị trường của một nền kinh tế vì liên quan đến chuyện bán phá giá và trợ cấp, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa.
Vì Việt Nam ta có ưu thế về nhân công rẻ và khí hậu, môi trường thuận lợi cho sản xuất nông sản, nên khi giao thương người ta vẫn cố cho nền kinh tế của ta còn có yếu tố phi thị trường để áp chế các điều khoản, giảm sức cạnh tranh hàng của ta.
Còn cái đuôi “định hướng XHCN” thì nếu Nguyễn Khắc Mai có đọc ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 2-2001 định nghĩa về nền kinh tế Mỹ sẽ thấy nền kinh tế hỗn hợp của Mỹ có nhiều nét tương đồng với nền kinh tế có cái đuôi “định hướng XHCN” của ta!
Nguyễn Khắc Mai rất sai khi viết: “Tôi cho là cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là quyền sở hữu, thì chúng ta đang rất lạc hậu, lúng túng” và theo ông Mai thì tất cả phải là sở hữu tư nhân.
Cái chính của kinh tế thị trường là tuân theo quy luật cung-cầu chứ không phải là chuyện sở hữu. Còn ông đòi sở hữu tư nhân mọi chuyện thì tôi xin hỏi ông, nếu việc sở hữu tư nhân đất đai được hiến định thì người có tiền hoàn toàn có thể chiếm giữ được những vị trí chiến lược, những nơi hiểm yếu. Mà lực lượng chống phá đất nước nếu cần thì sẽ không thiếu tiền. Vậy ông tính sao?
Dân ta cũng phải đổ bao mồ hôi và máu để giành lại tài nguyên, khoáng sản. Vì vậy đất đai, tài nguyên và khoáng sản cũng phải thuộc sở hữu toàn dân, tức thuộc kinh tế nhà nước. Chỉ như vậy đất nước mới có sức mạnh và giữ được sự ổn định.
Nhân đây tôi xin trích nguyên văn một đoạn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, giải thích về chế độ sở hữu: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản… là biểu hiện cuối cùng và hoàn bị nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên cơ sở… những người này bóc lột những người kia”.
Đúng như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đến nay vẫn còn những cuộc biểu tình chống lại “chế độ sở hữu tư sản ấy”, như phong trào biểu tình “chiếm Phố Wall” từng nổ ra ngay trong lòng nước Mỹ, của những người “đại diện cho 99%” dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế giới tư bản nói chung.
Tóm lại, cái nền để một người có nhận thức minh triết chính là tri thức sâu rộng, sự từng trải. Chỉ có vậy anh mới hiểu đúng, từ hiểu đúng anh mới biết hành động sáng suốt và phù hợp. Đó chính là minh triết. Hiểu đúng còn chưa xong thì lấy đâu ra minh triết? Với một đất nước cũng vậy, chỉ có những lãnh đạo tài đức, với một xã hội có trình độ cao ở mọi mặt, sẽ có một đường lối minh triết và các biện pháp minh triết biến đường lối thành hiện thực.
Tiếc là nước ta còn chưa được như vậy nên mới có “lỗi hệ thống”. Nhưng chẩn bệnh đúng cho hiện trạng xã hội hôm nay và đưa ra được toa thuốc phù hợp cũng rất cần những tư duy minh triết và đương nhiên không thể là những người có tư duy lộn xộn như ông Nguyễn Khắc Mai.
Hôm vừa rồi, đến thăm chùa Quang Ân (Hà Đông cũ) tôi thấy môt bức trướng ghi lai 14 lời khuyên của Phật, do Thượng tọa Kim Cương Tử sưu tầm. Câu đầu tiên Phật khuyên: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”. Ông Mai ngẫm lời khuyên này chưa?
Nguyễn Văn Hùng