TS. Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Ngân hàng MB nhận giải thưởng TOP 10 Báo cáo thường niên 2022, hạng mục Large Cap

Với việc bổ sung nội dung phát triển bền vững, trách nhiệm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, tham chiếu và tuân thủ các tiêu chí về quản trị công ty theo thông lệ trong nước và quốc tế, MB được vinh danh trong top 10 doanh nghiêp niêm yết có báo cáo thường niên xuất sắc nhất năm 2022.

Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán: MBB) vừa được vinh danh trong top 10 Doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất có báo cáo thường niên xuất sắc trong cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2022 (VLCA 2022)

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết là sự kiện thường niên được chờ đón và là cuộc bình chọn có uy tín nhất dành cho các doanh nghiệp niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tham gia soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn.

Năm 2022 là năm thứ 15 của cuộc bình chọn, thu hút 557 doanh nghiệp niêm yết tham gia, với hơn 50 giải thưởng được bình chọn cho 3 hạng mục: Báo cáo thường niên, Quản trị công ty, Phát triển bền vững. Đặc biệt, năm 2022, cuộc bình chọn doanh nghiệp có bổ sung thêm giải thưởng Giải Doanh nghiệp Quản lý tốt phát thải khí nhà kính.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết với Hội đồng đánh giá độc lập, tôn vinh các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh minh bạch, có trách nhiệm với cổ đông, khách hàng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty nhằm hướng doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững, để phù hợp với môi trường mới và giúp vượt qua những biến động của thị trường như đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, hay khủng hoảng năng lượng, lạm phát và suy thoái kinh tế…

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải thưởng

Ghi nhận cho sự chuyển đổi tích cực trong Báo cáo thường niên

Việc góp mặt trong danh sách “Top 10 Báo cáo thường niên tốt nhất – Nhóm vốn hóa lớn năm 2022” là minh chứng cho sự chuyển đổi tích cực trong Báo cáo thường niên của MBB năm 2022, với việc bổ sung chi tiết các nội dung phát triển bền vững, trách nhiệm bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, tham chiếu và tuân thủ các tiêu chí về quản trị công ty theo thông lệ trong nước và quốc tế (GRI standard, IFC). Điều này thể hiện sự nhất quán trong các chính sách, quy trình, cùng thực tế rằng hoạt động quản trị tại MB đã được nâng tầm, tiệm cận với thông lệ chuẩn mực và sự công khai minh bạch trong các chỉ tiêu tài chính, số liệu cụ thể đã qua kiểm toán tại MB và các công ty con.

Với hình thức trình bày tin cậy, chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, Báo cáo thường niên MBB đã trở thành một trong những kênh thông tin tin cậy, truyền tải tới các nhà đầu tư, cổ đông một cách đầy đủ, minh bạch nhất về Tập đoàn MBB, tiến tới nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

           MBB: Kiên định với chiến lược chuyển đổi số

Tại MB, việc quản trị được chú trọng xây dựng và phát triển liên tục, bám sát thông lệ quốc tế và các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến. Nền tảng quản trị bền vững giúp MB duy trì được kết quả kinh doanh vượt trội, trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại tại Việt Nam qua nhiều năm.  

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, MB đã khẳng định vị thế ngân hàng dẫn đầu trong chuyển đổi số, đưa ra rất nhiều sản phẩm dịch vụ đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới như ngân hàng số, thanh toán điện tử, mua sắm online…Đây là kết quả có được qua một chiến lược dài hạn được Hội đồng Quản trị phê duyệt cách đây hơn 5 năm, đó là quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn diện với tư duy hoạt động như một doanh nghiệp số, nhằm bứt phá tiên phong trên thị trường với các mô hình kinh doanh ứng dụng kỹ thuật số thông quaphương pháp Agile và Design Thinking sâu rộng, không chỉ với Ngân hàng mà còn cả các công ty thành viên.

Thông qua chiến lược số, MB đã xây dựng thành công hai nền tảng App MBBank và BIZ MBBank với trải nghiệm vượt trội cho người dùng, thu hút trên 18 triệu khách hàng sử dụng. Tỷ lệ giao dịch kênh số đạt khoảng 94%, tăng 145% so với trước dịch Covid-19, đạt mức tương đương với tỷ lệ giao dịch số của các ngân hàng Top đầu châu Á.

Chuyển đổi số được coi là bước đi then chốt đưa MB bứt phá mạnh mẽ về số lượng khách hàng trong điều kiện thị trường khó khăn. Năm 2021, số lượng khách hàng sử dụng App MBBank đạt 9.4 triệu khách hàng, tăng 3,1 lần so với năm trước đó. Giao dịch trên ngân hàng số tăng 4,3 lần; số lượng khách hàng mới đến với MB trong một năm gần bằng với 26 năm trước đây. 10 tháng đầu năm 2022, số người sử dụng App MBBank tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,6 lần so với năm 2021, khẳng định những bước đi đúng đắn của MB trong quá trình chuyển đổi số.  

“So với 380 triệu giao dịch trong năm 2021 thì năm nay chúng tôi đã đạt 1 tỉ giao dịch trên kênh số, với doanh số giao dịch khoảng 8 triệu tỉ đồng. MB cũng đứng số 1 về thị phần số lượng giao dịch qua Napas”, lãnh đạo MB cho hay.

Bên cạnh đó, nhờ liên tục thử nghiệm, nghiên cứu trải nghiệm khách hàng, MB đã thành công trong việc triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng thị hiếu người dùng như: Mở tài khoản số đẹp, tài khoản giống số điện thoại, thanh toán bằng VietQR, hay gần đây nhất là dòng thẻ MB Hi Collection với tính năng 2 trong 1 (ATM và tín dụng) – đây đều là những sản phẩm nhanh chóng thu hút người dùng ngay sau khi ra mắt. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn bộ hoạt động nội bộ của MB đã thay đổi cơ bản, trở thành ngân hàng không giấy tờ, các nghiệp vụ được xử lý trên kênh số.

Với tầm nhìn chiến lược đầy tham vọng kết hợp với những sáng kiến mới, cách làm mới và nền tảng doanh nghiệp bền vững, kiên cường, MB luôn vượt qua các khó khăn, thử thách, biến động, và duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân của ngành. MB hướng đến đạt khoảng 120.000 tỷ doanh thu, và 45.000 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2026, tức là gấp từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2021, hoàn thành các mục tiêu chiến lược quan trọng giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định vị thế TOP 3 thị trường ngân hàng Việt Nam về hiệu quả, hướng đến top đầu châu Á.

Thông tin thêm:

Đến hết quý 3, kết quả kinh doanh của MB tiếp tục nằm trong top đầu các ngân hàng thương mại và bám sát kế hoạch 2022 được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tổng tài sản Ngân hàng đạt 657.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 476.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2021, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được duy trì ở mức tốt ở mức 11,3%, cao hơn chuẩn Basell II; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,04% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng ở mức 288%. Các tỷ lệ về hiệu quả hoạt động đều bám sát mục tiêu đặt ra và nằm trong top dẫn đầu ngành ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng hàng đầu khu vực, cụ thể: ROE đạt 26,4%, ROA đạt 2,8%.