Huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh là huyện ngoại thành, thuộc diện khó khăn, nên từ nhiều năm qua, Hội CCB huyện luôn coi trọng việc vận động hội viên phát huy tinh thần đoàn kết, thường xuyên giúp đỡ nhau, người có giúp người khó vươn lên làm giàu. Việc đó đã được chú ý ngay từ khi T.Ư Hội phát động phong trào, ngay 6 tháng đầu năm 2011, hội viên các Hội cơ sở đã tự giúp nhau vốn, con giống, cây giống, ngày công, vật liệu… tính ra số tiền lên đến trên 2,142 tỷ đồng.

Đặc biệt với mô hình “tổ liên kết vốn” do Huyện hội khởi xướng, các CCB đã tự giúp nhau trên 2,2 tỷ đồng. Từ số vốn tình nghĩa ban đầu này, cộng với sự cần cù chịu khó và quyết tâm xoá nghèo, anh chị em có điều kiện tăng gia sản xuất, ổn định đời sống. Từ đó, cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển và quỹ Hội nhờ vậy cũng tăng lên (tổng toàn huyện có trên 1,3 tỷ). Với nguồn vốn ổn định, các cơ sở hội có điều kiện thăm viếng hội viên khi ốm đau, từ trần và tặng quà trong dịp lễ tết với số tiền hàng trăm triệu đồng. Hội còn vận động quyên góp trong nội bộ để trao tặng 74 suất học bổng cho con em CCB nghèo học giỏi, xây 1 căn nhà tình nghĩa tặng hội viên; vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, 8 căn nhà tình thương, chống dột 2 nhà với tổng số tiền trên 242 triệu đồng. Hưởng ứng cuộc vận động góp quỹ hỗ trợ CCB nghèo của Hội CCB thành phố, tuy nghèo song Hội CCB Củ Chi cũng đã góp được 105,3 triệu đồng.

Còn ở Hội CCB phường Quang Trung, thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) từ trước khi phong trào phát động, đã xoá hết hộ nghèo, nhưng năm 2009, do kết nạp thêm hội viên mới nên đã có thêm 2 hộ nghèo. Khó khăn của CCB Hoàng Văn Đáo là cả nhà chỉ trông vào 3 sào ruộng canh tác, thiếu ăn triền miên. Trước tình cảnh ấy, Hội CCB phường cùng tập thể Chi hội CCB khu phố 10 đã bàn bạc, tìm được giải pháp là không làm thủ tục vay vốn ngân hàng như thường lệ để giúp đỡ gia đình CCB Hoàng Văn Đáo; thay vào đó, Hội tổ chức vận động CCB toàn phường ủng hộ giúp đỡ gia đình anh. Với tình nghĩa đồng đội, CCB cả phường đã đóng góp được 11 triệu đồng. Hội trích 9 triệu đồng mua cặp bò (bò mẹ kèm bò con) tặng gia đình chăn nuôi. Hai triệu còn lại, Hội cử người tới nhà anh Đáo làm chuồng cho cặp bò.

Hộ CCB nghèo Hoàng Thị Bằng ở khu phố 2 có hoàn cảnh khó khăn khác, bởi chồng chị mất sớm, 5 miệng ăn trong nhà đều trông vào cái khuôn đóng gạch xỉ, nhưng do thiếu vốn, dẫn đến làm không đủ ăn. Không chậm chễ, Hội xuống ngay khu phố cùng chi hội CCB khảo sát cụ thể. Mắt thấy tai nghe là gia đình chị Bằng đang cần vốn để mua vật liệu đóng gạch, Hội lại tạo điều kiện cho gia đình chị vay 5 triệu đồng. Một năm sau, gia đình chị Bằng đã sản xuất ra hàng vạn viên gạch bán cho người dùng. Những năm tiếp theo, nghề đóng gạch của gia đình chị ngày càng phát triển, chị Bằng trả hết nợ, dỡ bỏ căn nhà lụp xụp, nâng cấp thành ngôi nhà khang trang, vươn lên mức sống khá.

Ta thử thăm tiếp một thành phố lớn: Khi phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” mở ra, tỷ lệ hộ CCB nghèo ở Nha Trang chiếm đến 3,31%. Đây là con số mà lãnh đạo Thành hội cũng như các hội viên luôn trăn trở: Không lẽ ngay trung tâm thành phố du lịch nổi tiếng của cả nước, lại có những CCB phải sống trong cảnh nghèo đó? Bằng những việc làm, các chính sách cụ thể như từng Hội cơ sở đều có quỹ giúp hội viên nghèo (mấy năm qua tổng số tiền đóng góp và cho nhau vay không lấy lãi được 2,5 tỷ đồng); bằng cách các CCB làm kinh tế giỏi ủng hộ cả tỷ đồng xoá nhà dột nát, giúp sửa chữa và xây mới 20 nhà tình nghĩa cho hội viên. Ấy là chưa kể, Thành hội phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” đã thu được gần 70 triệu đồng và 303 lượt hội viên nghèo và cận nghèo đã được vay 1,8 tỷ đồng. Từ cách làm này, số hộ nghèo giảm dần, tới nay (6-2011) toàn chi hội chỉ còn 0,76% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới.

Từ “giúp nhau giảm nghèo” đã tạo đà cho CCB “làm kinh tế giỏi”. Tính đến nay, Hội CCB TP Nha Trang đã có 231 hội viên được công nhận là sản xuất giỏi các cấp, trong đó cấp T.Ư 11, cấp tỉnh 25, cấp thành phố 48 và 147 hội viên sản xuất giỏi cấp xã phường. Toàn Thành hội có 79 doanh nghiệp, 10 trang trại, 1 hợp tác xã, ngành nghề tập trung chủ yếu là kinh doanh hải sản, dịch vụ và du lịch, trang trại… tạo việc làm cho 1.865 lao động, trong đó 20% là con em hội viên CCB. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu duy trì và phát triển thành những doanh nghiệp lớn mạnh của tỉnh như: CCB Nguyễn Xuân Thuỳ, với thương hiệu Taxi Quốc tế; CCB Đỗ Hữu Việt với thương hiệu nước mắm nổi tiếng 584; CCB Nguyễn Văn Vĩnh với sản phẩm điện tử kỹ thuật cao NBE, chuyên dùng cho phát thanh truyền hình...

Nguyễn Phúc Ấm