Tết là ngày để mọi gia đình đoàn tụ, nhiều gia đình đi du xuân, tham quan, lễ chùa. Tuy nhiên, với người cao tuổi cần lưu ý những điều sau:

- Người cao tuổi cần kiểm tra sức khỏe của mình, đặc biệt với người có bệnh nền. Nếu đi xa hoặc đi dài ngày cần có sự tham vấn của bác sĩ điều trị.

- Đối với người có bệnh mạn tính đang dùng thuốc, phải đem theo thuốc đầy đủ, nên đem dư ra vài ngày (phòng trường hợp chuyến về bị trì hoãn). Nên mang thuốc sẵn đeo túi bên người phòng trường hợp quên thuốc, bỏ quên trên điểm đỗ dừng nghỉ. Nhất là các trường hợp đi du xuân bằng máy bay để tránh bị thất lạc.

- Trước khi đi du xuân cần xem nơi đến có khác nhau về thời tiết, khí hậu, các món ăn để chuẩn bị quần áo phù hợp tránh bị nhiễm lạnh, ăn uống có hợp không sẽ có đồ ăn dự phòng.

- Để phòng ngừa thuyên tắc tĩnh mạch, đặc biệt ở người có bệnh suy tĩnh mạch, nếu di chuyển bằng máy bay hoặc xe nhiều giờ (đường dài), nên tập duỗi chân trong thời gian ngồi lâu, tránh ngồi co chân. Nếu cần, nên mang tất nâng đỡ tĩnh mạch.

- Dinh dưỡng đầy đủ, nên đem theo sữa đạm để uống bổ sung phòng khi ăn uống không hợp khẩu vị. Tránh thức ăn hải sản sống, thịt chưa nấu đủ chín để phòng tiêu chảy, nhiễm trùng. Buối tối, tránh ăn quá no giúp dễ ngủ (đầy bụng làm khó ngủ). Uống nhiều nước, nhất là khi đi du xuân di chuyển nhiều ở vùng có thời tiết nóng bức.

- Người cao tuổi cần tránh uống rượu và cà phê để giảm tình trạng mất nước và mất ngủ. Cùng với uống nhiều nước, chú ý ăn nhiều rau cải, trái cây, sữa chua để tránh táo bón.

- Chú ý an toàn là vấn đề quan trọng với người cao tuổi. Du xuân cần tránh những nơi núi cao, trơn có thể té ngã. Sáng ngủ dậy người cao tuổi cần khởi động gân khớp xương, để tránh hoạt động đột ngột xảy ra bất trắc.

- Không nên đi du xuân quá xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày rét đậm, rét hại. Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân và cần tránh uống rượu, bia... để đề phòng cảm lạnh. Bước vào mùa xuân, người cao tuổi đặc biệt phải đề phòng tai biến mạch máu não.

   Minh Anh