“Hội Thánh của Đức Chúa Trời”, còn gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” - tên đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời - Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”.
Đây là một tôn giáo bắt nguồn từ Hàn Quốc và hiện nay đã có mặt tại 185 quốc gia, trong đó có Việt Nam; nhưng pháp luật Việt Nam không công nhận, do “đạo lạ” này có nhiều quan điểm cực đoan, như chỉ xem trọng bản thân, coi thường người thân, gia đình. Không ít gia đình có người thân tham gia tổ chức này không còn thờ cúng tổ tiên; “giáo lý” thể hiện sự sao chép, hoạt động có nhiều biểu hiện “tà đạo”, trái văn hóa tâm linh, thuần phong mỹ tục của người Việt.
Tuy nhiên, thủ đoạn của những người truyền bá, cổ xúy “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” vào nước ta cũng rất tinh vi. Do không được pháp luật công nhận, nên họ sử dụng ngay phương pháp “đa cấp” trong cơ chế thị trường và thông qua các ứng dụng của mạng xã hội để truyền bá, nhân rộng.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao“Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” lại được những nhóm người rải rác ở nhiều địa bàn theo?
Điều trước tiên dễ thấy đó là hiện tượng tự nhiên của hội nhập quốc tế. Còn nhớ, năm 1987, cố vấn Phạm Văn Đồng có nói: Mở cửa thì gió mát sẽ vào nhưng ruồi muỗi cũng bay vào theo. Xin nhớ, năm 1986, Đảng ta mới chủ trương đổi mới, mở cửa, đất nước chưa hội nhập sâu và rộng với thế giới như bây giờ.
Quy luật là cái mới, cái tiến bộ, cái tích cực thường phải một quá trình mới học theo được; nhưng những tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường mà hội nhập thì lại thường bị tiêm nhiễm rất nhanh. Điều này dễ nhận ra ở tất cả các khía cạnh đời sống, chứ không riêng “đạo lạ” và các loại tà đạo.
Nguyên nhân thứ hai, có thể thấy là dù khoa học đã phát triển như vũ bão, nhưng biết bao hiện tượng tự nhiên, tâm linh... vẫn chưa giải thích được, trong khi mặt trái của kinh tế thị trường làm cho tốc độ phân hóa giàu nghèo trong xã hội diễn ra nhanh chóng. Mà tôn giáo như Mác viết “là thuốc phiện của nhân dân”.
Vì sao, những người theo “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” lại mê lú đến như vậy? Chính là do “nền tảng tinh thần” của xã hội ta đang để lộ nhiều “khoảng trống”, nên đời sống tinh thần như nhận thức, sự hiểu biết, nhiều bất hạnh khó lý giải... của nhiều bộ phận trong nhân dân, vô hình trung trở thành “điểm yếu” để các tà đạo “tấn công”. Ở đây cũng cần lưu ý, quan hệ giữa con người với con người, giữa các hộ gia đình trong xã hội hiện nay đang có vấn đề, như mặc kệ, vô cảm... Đây cũng là “khâu yếu” của nền tảng xã hội.
Nguyên nhân thứ ba, rất quan trọng,là công tác quản lý xã hội của chính quyền, như cấp ủy Đảng, chính quyền, Công an, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị... với nhiệm vụ, suy cho cùng là “nắm dân”, nhưng nhiều nơi quan liêu, không gần dân, nên không hiểu được hoàn cảnh kinh tế, tâm tư, tình cảm của dân.
Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có công tác an ninh cơ sở. Người khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Sinh thời, Người luôn quan tâm đến công tác vận động toàn dân đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự.
Dù lực lượng nòng cốt của Phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” là Công an xã trong cả nước gần đây đều đã được bố trí Công an chuyên nghiệp, thành một cấp Công an, nhưng “nắm dân” vẫn là “khâu yếu” trong hoạt động của Ngành Công an.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được luật pháp bảo hộ; nhưng pháp luật Việt Nam cũng kiên quyết loại bỏ những tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để làm những điều gây phương hại đến nhân dân, đến xã hội.
Ngay từ năm 1955, trong Sắc lệnh số 234/SL, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã nói rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc những việc làm trái pháp luật”;
Điều 64, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật số 02/2016/QH14), quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên, đấu tranh chống “đạo lạ”, tà đạo phải kết hợp vừa “xây” vừa “chống”. Để “xây” hiệu quả, tích cực, không có cách nào khác là phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, giảng giải, thuyết phục, nâng cao nhận thức về tôn giáo, cũng như pháp luật về tôn giáo cho nhân dân.
Ngô Đức Hành - Nguyên sĩ quan an ninh Bộ Công an