Từ tháng 4-2023, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm bắt đầu có hiệu ứng tác động nên ngay đầu tháng 5, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan.

Tín hiệu kinh tế phục hồi.

Đánh giá về tình hình 4 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 4 và bốn tháng đầu năm cơ bản được giữ ổn định; hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) tăng trở lại; thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu. “Đây có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới” - Bộ trưởng nói.

“Những tín hiệu tích cực này dù là đáng mừng nhưng chưa đủ để yên tâm và cũng chưa đủ làm vơi đi những lo ngại cho các hoạt động đầu tư, SXKD - Chuyên gia kinh tế” - TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư cho biết.

Thực tế là, tuy có chuyển biến tích cực nhưng số liệu thống kê cho thấy, hoạt động SXKD, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực, như dệt may, điện tử, đồ gỗ, xe có động cơ... của một số địa bàn công nghiệp trọng điểm, như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vẫn giảm hoặc tăng thấp.

Đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động cũng xấp xỉ số doanh nghiệp thành lập mới. Có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước thì cũng có 77.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì cũng có 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Xuất nhập khẩu tháng 4 vẫn  tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tư liệu sản xuất bốn tháng giảm 15,7% so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất còn khó khăn.

“Có thể nói các động lực tăng trưởng hoặc giảm hoặc rất yếu. Các đầu tàu kinh tế như T.P Hồ Chí Minh thì ỳ ạch, thậmchí chậm lại - Đầu tàu chạy chậm, kéo theo cả đoàn chậm theo” - Ông Cung trăn trở và càng đau đáu hơn khi thấy môi trường đầu tư và kinh doanh nội địa cũng đầy khó khăn. Có thể nói, chưa khi nào khó như hiện nay. Đã vậy, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Ở một số nơi, một số Bộ, ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa phát hiện, tham mưu chính sách kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ”.  

Cải cách để kinh tế phục hồi

Những nghị định, quyết định chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Chính phủ đã lắng nghe “kịp thời”. Doanh nghiệp đang nhìn thấy những chuyển động rất tích cực từ các nhóm giải pháp khá toàn diện, đồng bộ” - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản T.P Hồ Chí Minh (HoREA) phấn khởi nói. Theo ông, các giải pháp sát thực tiễn sẽ nhanh lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, giúp họ sớm phục hồi.

“Có lẽ chưa bao giờ, Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện để thúc các Bộ, ngành, địa phương làm việc như vừa rồi” - ông Trần Đức Hoàn - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Thái Hưng phát biểu. Vị Giám đốc này mừng vì Thủ tướng đã chỉ thẳng ra tình trạng: “Né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm...”.

Nhưng ông và nhiều doanh nghiệp khác cũng vẫn rất trăn trở với vấn đề thực thi chính sách và chỉ đạo của Chính phủ. Không thể cứ để doanh nghiệp tìm các chính sách hỗ trợ, cải cách môi trường kinh doanh “trên… ti vi”. Thực tế là “dưới thảm vẫn có đinh”, doanh nghiệp đang khó khăn lắm nhưng cũng đang có nhiều rào cản lắm” - ông Hoàn nói.  

Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang trông chờ những hành động nhanh chóng, khó khăn vướng mắc kịp được gỡ ngay, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Các giải pháp điều hành phải quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn để tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế.Đồng thời tranh thủ cơ hội, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế...”.  

Còn TS.Nguyễn Đình Cung bổ sung thêm: “Đây là giai đoạn cần cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất để phục hồi kinh tế và tạo dựng những động lực tăng trưởng mới bù đắp sự suy giảm liên tục của các động lực tăng trưởng truyền thống, và để chống chọi với những yếu tố bất lợi từ bên ngoài”.

Nhưng theo ông Cung: “Trên thực tế, chúng ta lại chứng kiến hàng loạt các sự việc và hiện tượng làm xấu đi chất lượng môi trường kinh doanh. Trong các văn bản pháp luật đã ban hành kể cả đang soạn thảo lại thấy xuất hiện không ít rào cản đã bãi bỏ trước đây với cả những quy định tạo rào cản mới”. Ông kiến nghị Chính phủ sớm khôi phục lại chương trình cải cách (liên tục và toàn diện) cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chương trình này được thể hiện bằng một nghị quyết riêng hằng năm của Chính phủ.  

“Cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh phải là một nhân tố quan trọng không thể thiếu để nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh tại buổi Tư vấn cho Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư.  

Phạm Hoài Phi