Thực trạng cán bộ đang có hai điều đáng lo. Bên cạnh những cán bộ tận tụy, trách nhiệm, đang có một bộ phận không nhỏ "công bộc của dân" thiếu tu dưỡng, rèn luyện trở thành các "ông quan cách mạng".

Họ đang câu kết "lợi ích nhóm", hưởng tư lợi từ vị trí công tác và công vụ. Mặt khác, tình trạng nổi lên ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị hiện nay là tâm lý cán bộ sợ sai. Họ cứ thủng thẳng làm theo lối mòn công việc trong khi nhu cầu đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Thậm chí để tạo "vỏ bọc an toàn", nhiều cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy mặc tình để công việc ùn ứ trước bức xúc của người dân..

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, đại biểu nói nhiều về thực trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Bên lề hành lang Quốc hội, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, còn nêu quan điểm mạnh mẽ: “Phải coi cán bộ né trách nhiệm là sai phạm, cần xử lý”. Theo ông, để khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm, cần phải xây dựng cơ chế coi những hành vi như vậy của cán bộ, công chức là sai phạm để xử lý.

Vấn đề cán bộ sợ trách nhiệm không phải là mới, mà đã được chính Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến nhiều lần từ lâu trong chỉ đạo, điều hành, nhưng tại sao tại kỳ họp Quốc hội lần này vẫn được nêu lên khá gay gắt?

Câu trả lời, có lẽ do yêu cầu phát triển, yêu cầu cuộc sống đã đến lúc không còn “chịu được”. Tình trạng cán bộ năng lực chuyên môn yếu, không đáp ứng yêu cầu công vụ hiện nay không phải là ít. Mặc dù, ở các tổ chức Đảng, đơn vị hằng năm có bản kiểm điểm đảng viên, kiểm điểm cá nhân, có các mức: Chưa hoàn thành nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thìsố “chưa hoàn thành nhiệm vụ” lại rất ít.

Theo con số của đại biểu Quốc hội đưa ra thì chỉ có 1,71% cán bộ, công chức, người lao động không hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó cho thấy, đánh giá, xếp loại hằng năm kể cả trong Đảng và chính quyềncòn rất hình thức, việc đặt ra “chỉ tiêu” phần trăm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cũng phán ánh “tư duy hình thức”, chưa phản ánh thực chất.

 Chúng ta thừa nhận, cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm có vấn đề về cơ chế, nhưng không thể đưa “cơ chế” ra để bao biện cho việc không dám làm. Nhất là trong điều kiện cơ chế, chính sách của chúng ta còn có những bất cập,đang trong quá trình hoàn thiện...

Dịp gần đây, tiếp xúc với ông Dương Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Long Thành (Đồng Nai), ông cho tôi biết: Ở cấp cơ sở rất “khó xử” bởi văn bản chồng chéo, thậm chí có tình trạng cấp dưới hỏi, cấp trên không trả lời kịp thời, màcông việc thì lại đòi hỏi phải quyết đáp ngay. Trong trường hợp này rõ ràng là không ai dám quyết, nên tốt nhất là phải căn cứ vào tình hình cụ thể để tìm ra giải pháp khắc phục.

Ông Bí thư huyện Long Thành nêu dẫn chứng việc giải phóng mặt bằng để triển khai dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cho rằng, dù nhiều khó khăn, cả những khó khăn về cơ chế, chính sách, nhưng Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung đã quyết tâm làm, quyết tâm vượt khó “Giải tỏa, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ dự án đúng thời gian, với 7.000 hộ dân, hơn 20.000 khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó có 1 xã di dời toàn bộ, không phải là điều đơn giản”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà không phủ nhận những khó khăn ở cơ sở, nhưng bà nêu ra câu hỏi: Cùng một cơ chế pháp lý, có địa phương làm rất tốt. Điều đó cho thấy, dám làm, dám chịu trách nhiệm là bản lĩnh, là phẩm chất, tạo nên sự khác biệt.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nhận định: “Những vướng mắc của cơ chế, chính sách chỉ là một phần dẫn đến tình trạng cán bộ đùn đẩy, né trách nhiệm. Theo tôi, còn cả yếu tố con người trong đó. Bởi nếu cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh, nhưng cán bộ toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung thì họ vẫn có cách làm. Ngược lại, dù cơ chế chính sách rất hoàn chỉnh, kín kẽ, nếu cán bộ không muốn làm thì vẫn né tránh hoặc tìm ra kẽ hở để luồn lách”.

Về tỉnh Quảng Ninh sẽ thấy bài học “dám làm”. Quảng Ninh đã từng thành công trong sắp xếp bộ máy, cải cách thủ tục hành chính; những năm gần đây là đột phá trong việc huy động nguồn lực của xã hội (PPP) trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Chính điều này, làm cho Quảng Ninh liên tục, nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Ai không dám làm, đứng sang một bên!”. Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính coi điều này như một mệnh lệnh để chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức bằng kỷ cương, kỷ luật... Đó là việc mang tính thời sự, cònlâu dài, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là cải cách tiền lương, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và xây dựng cho được hành lang bảo vệ người quyết liệt, dám làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Chính Bộ này đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bà cũng chia sẻ, hiện vướng rất nhiều quy định khác của pháp luật. Điều này cho thấy, vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý, khuôn khổ chính sách... đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Và phải có sự vào cuộc đồng bộ, của các cơ quan nghiên cứu, các Bộ, ngành liên quan.

Thành Nam