Không ai không đau xót khi nói tới thảm họa cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua và lại càng lo lắng hơn về nguy cơ hỏa hoạn vẫn rình rập khi hàng triệu người lao động đang ở thuê trong những khu nhà không bảo đảm an toàn.

Theo thống kê mới nhất của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), thì chỉ riêng ở Hà Nội đã có tới hơn 300 chung cư mini. Còn  các chuyên gia bất động sản thì ước tính cả nước đang có khoảng 5.000 chung cư mini. Đó là chưa tính rất nhiều những căn nhà riêng lẻ nhiều tầng cho thuê khác nữa.  

Sau vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ, thì Hà Nội và các địa phương lại đang rà soát toàn bộ công trình dạng chung cư mini và hầu hết đều không bảo đảm tiêu chuẩn phòng cháy, chữa chấy, nên cả Ngành Công an và chính quyền địa phương đều đưa ra hướng giải quyết rất kiên quyết, là ở đâu vi phạm thì ở đó không cho người ở, thậm chí “đe” sẽ bị cắt điện, nước - giống như “đóng cửa” các quán karaoke hồi đầu năm, khiến nhiều người đang ở các chung cư mini lo lắng, mà số lượng phải lên đến cả triệu người!  

Đây là cách làm “rò đâu bịt đấy”.

Vấn đề đặt ra là khắc phục sai của các nhà chung cư không đơn giản như   quán karaoke, nhất lại là những nhà chung cư dạng mini thì lại càng khó, nếu như không đập đi xây lại. Còn đập đi xây lại thì những người đang thuê đi ở đâu? Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội không có, họ lại đa số hoàn cảnh khó khăn.    

Trong khi nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm xây nhà chung cư, phải nói thẳng ra là do buông lỏng quản lý, không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thậm chí còn có thể có cả tình trạng “thỏa thuận ngầm” giữa người quản lý và chủ đầu tư, nên mới có chuyện dù trong giấy phép đã quy định rõ ràng số tầng; tỷ lệ nhà ở với không gian chung, nhưng chủ đầu tư vẫn vi phạm?

Đã đến lúc các nhà quản lý và chính quyền địa phương phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách khắc phục từng bước, chứ không thể ra một lệnh chung cho tất cả các nhà vi phạm được. Ví dụ, những nhà chung cư cửa sổ hàn kiểu “chuồng cọp” thì yêu cầu khắc phục cửa sổ; bắt buộc 100% các căn hộ phải được trang bị bình phòng cháy, chữa cháy và phải biết sử dụng khi hỏa hoạn xảy ra; 100% nhà từ tầng 2 trở lên phải có thang dây và có lối thoát hiểm; thoạt nạn, cửa chống cháy… Người dân và nhân viên cần được tập huấn kỹ năng thoát hiểm và xử lý tại chỗ khi có sự cố.

Đồng thời với khắc phục tạm thời sai sót ở các nhà chung cư nói chung, chung cư mini nói riêng, phải thực hiện ngay chiến lược phát triển nhà ở xã hội.  Đây cũng là giải pháp mang tính dài hạn, vừa cung cấp nơi ở cho hàng triệu người thu nhập thấp, vừa hạn chế đáng kể sự phát triển tràn lan của loại hình nhà ở riêng lẻ “hóa” chung cư mini.

Để phát triển nhà ở xã hội, các địa phương phải dành quỹ đất và có chính sách hợp lý, hợp tình sao cho đủ khuyến khích nhà đầu tư cho nhà ở xã hội. Còn người cần nhà thì mua được nhà.  

Cơ chế, chính sách nhà ở xã hội hiện nay đang bất cập cho cả phía người dân cần nhà, lẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư; trình tự thủ tục xin dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rất khó, kéo dài rất lâu, trung bình khoảng 3-5 năm, có dự án kéo dài lâu hơn và chưa có một tiêu chuẩn thiết kế riêng cho nhà ở xã hội.  

Theo Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH; được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Tuy nhiên việc tiếp cận các ưu đãi này còn rất hạn chế.  

Ví dụ, tuy có chính sách dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH nhưng thực tế nhà đầu tư rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nên doanh nghiệp phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao, thường là trên 11%/năm. Đó là chưa nói, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ chưa bố trí nguồn vốn tái cấp bù lãi suất cho chủ đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội còn đối diện với rủi ro do nhiều giấy phép con, như Báo CCB Việt Nam đã từng đề cập. Việc chỉ cho giấy phép cá nhân, hộ gia đình được làm phân khúc các căn hộ nhỏ; với năng lực tài chính hạn chế, sẽ dẫn đến các khu nhà trọ, phòng trọ không đảm bảo chất lượng, nhanh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như  trật tự xã hội trong các khu dân cư.

Tuy còn rất nhiều những việc cấp bách đặt ra để bảo vệ an toàn nhà chung cư nói chung, chung cư mini nói riêng. Nhưng dù có thế nào thì cũng chắc chắn không thể đẩy người dân đang ở ra ngoài, nếu nhà nước chưa lo được chỗ ở mới cho họ.

Chính vì thế phát biểu phải thận trọng!

KTS. Trần Đình Hạng