Cán bộ y tế xã Nà Hỳ (Nậm Pồ, Điện Biên) tuyên truyền cách phòng bệnh bạch hầu.

Trước tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã có 3 ca tử vong, nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc, Sở Y tế các tỉnh, thành, Y tế các Bộ, ngành về điều trị bệnh bạch hầu.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu: Các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10-7-2020 cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.

Tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca bệnh nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà bệnh nhân biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Tiêm vắc-xin để phòng bệnh

Hiện nay, vắc-xin là biện pháp nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn để phòng bệnh bạch hầu.

Các chuyên gia y tế cho biết, từ khi vắc-xin ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1981, số ca bạch hầu tại nước ta đã giảm mạnh. Gần đây, bệnh quay trở lại với các ca bệnh rải rác ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên, gần đây là các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua điều tra dịch tễ, đây đều là các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Vắc-xin phòng bạch hầu có trong các vắc-xin kết hợp từ 2 trong 1 đến 6 trong 1. Vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc-xin 4 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi. Vắc-xin 3 trong 1 có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Vắc-xin 2 trong 1 ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

Theo các chuyên gia y tế, khả năng bảo vệ của vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu sẽ suy giảm theo thời gian, cần tiêm nhắc lại 10 năm 1 lần. Các yếu tố giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng dịch. Nếu địa phương phát hiện người mắc, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được cách ly và điều trị kịp thời.

Thành An