Cách đây 26 năm, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay còn gọi là “Thuế VAT” lần đầu tiên được thảo luận và thông qua (Luật số 57/1997/L-CTN) - đánh dấu bước chuyển về mặt nhận thức, trong quá trình tiệm cận kinh tế thị trường.

Từ đó đến nay đã qua các lần sửa đổi: 2003, 2008, 2013, 2016. Điều đó cho thấy 2 mặt: Hoạt động kinh tế luôn vận động đòi hỏi sự “tiếp cận” mới; tuổi thọ của luật ngắn - có nguyên nhân do Luật Thuế GTGT vừa mới vừa khó, nhất là áp dụng cho “nền kinh tế thị trường định hưỡng XHCN” càng khó, vì những quy định mới điều chỉnh của Chính phủ cho phù hợp với đời sống xã hội - đây chính là kẽ hở cho thuế VAT “nhẩy múa”.

Vì thuế VAT là loại thuế được tính trên phần giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ, hay sản phẩm phát sinh tại các giai đoạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh (SXKD). Hay nói cách khác, VAT thực chất là loại thuế phát sinh trong quá trình hình thành chuỗi giá trị logistics trong SXKD. Thuế VAT là loại thuế gián thu.

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm nhất trong quá trình thực hiện Luật thuế VAT là tình hình gian lận, trốn thuế. Thời gian qua, vụ việc được dư luận quan tâm là vụ án cựu Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Nghi phạm trong vụ án được xác định là Trương Xuân Đước (52 tuổi, Giám đốc Công ty CP Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương) có nhà tại phường Đằng Hải, quận Hải An, T.P Hải Phòng. "Ông trùm" này là chủ của 17 công ty chuyên mua bán trái phép hóa đơn hoạt động từ nhiều năm qua. Đây không phải là vụ mới, nó chỉ mới vì “chủ thể” tham gia là một cựu tướng, từng chỉ huy “đánh án”.

Theo dữ liệu của Thanh tra Ngành Tài chính, nhiều đơn vị có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng thuế VAT. Đáng tiếc, trước những hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn  ngày càng tinh vi, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đã đưa ra nhiều giải pháp.

Một điều chắc chắn là, bất kể hành vi được thực hiện dưới hình thức nào, nó đều gây ra những tổn hại nhất định tới ngân sách nhà nước, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, khiến môi trường doanh nghiệp cạnh tranh trở nên không lành mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế  - xã hội của đất nước.

Các hành vi gian lận thuế VAT hiện diễn ra rất đa dạng, được thực hiện dưới nhiều hình thức. Doanh nghiệp thực hiện giảm thuế đầu ra phải nộp, tăng thuế đầu vào được khấu trừ... Vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan thuế, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để gian lận trong hoàn thuế. Mục đích chính là để giảm thuế đầu ra của kỳ này, hoặc tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sang kỳ nộp tiếp theo.

Đó còn là “mánh khóe” cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa.“Nhập nhèm” thuế suất là một trong những chiêu trò cũng khá phổ biến của các doanh nghiệp trốn thuế. Hành vi này bộc phát từ kẽ hở trong chính sách kích cầu để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%. Có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục không chịu thuế. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được ưu đãi thuế suất còn cố tình khai man để được hoàn thuế hoặc tăng khấu trừ.

Gian lận thuế dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ gây ra tổn thất cho ngân sách nhà nước. Để có thể ngăn chặn được mầm mống gian lận, các cơ quan thuế cần siết chặt hơn trong công tác quản lý.

Vấn đề hiện nay là, cần sửa đổi và ban hành luật, hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn trong thực thi. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và có đạo đức;  tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm, gian lận tiền hoàn thuế. Có nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mạnh mức phạt tiền và phạt tù để hạn chế tối đa hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV) hiện đang có nhiều ý kiến của đại biểu về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15,  ngày 11-1-2022. Nhiều đại biểu góp ý “mở rộng”, đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Thực ra, điều này xuất phát từ yêu cầu phục hồi sản xuất thời kỳ “hậu Covid-19”. Trước đó, vào giữa tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT đã không đồng ý giảm 2% thuế VAT với ngân hàng, bảo hiểm.

Xây dựng chính sách thuế VAT hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh rất quan trọng; nhưng chống thất thu, phát hiện gian lận, trốn thuế VAT cũng quan trọng không kém. Cả hai mặt đều là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hện nay.

Từ Tâm