Bờ biển Việt Nam dài 3.260km đi từ Bắc xuống Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1km bờ biển. Trong khi mức trung bình trên thế giới chỉ là 600km2 đất liền/1km bờ biển.

Chỉ số này cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu và được xem là một trong những con đường hàng hải sầm uất, quan trọng bậc nhất thế giới - đi từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Gắn liền với biển, Việt Nam có tới hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (UNCLOs) rộng hơn 1 triệu ki-lô-mét vuông(gấp 3 lần diện tích đất liền). Hiện nay, cả nước có 28 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền cùng với 45% dân số quốc gia.

Với những đặc điểm trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn về tài nguyên biển. Ngư dân không chỉ là người khai thác biển mà còn là người trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển đảo Quốc gia.

Lịch sử Việt Nam cho thấy các quốc gia phong kiến, đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ để mở rộng thuộc địa mà còn khống chế đường bộ và đường biển - qua Biển Đông, xuống các quốc gia Đông Nam Á - đông dân cư, giàu tài nguyên. Năm 1974, trong lúc nhân dân ta đang chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam thì Trung Quốc tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến sĩ chúng ta với tay không, đã nắm tay nhau kết thành “vòng tròn bất tử” để giữ đảo nhưng không thành. Hiện nay quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn đang bị một vài quốc gia xâm lấn.

Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” (1947-1991), thế giới chia làm hai hệ thống: Tư bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ đứng đầu; XHCN do Liên Xô - chủ yếu là nước Nga và tiếp theo là Trung Quốc đứng đầu.

Về chính trị “chiến tranh lạnh” là sự đối đầu, đối lập giữa hai hệ thống. Trong thời kỳ này đã diễn ra các cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược của các quốc gia thuộc địa, trong đó có cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau “chiến tranh lạnh”, tư duy chính trị của Việt Nam thay đổi cơ bản:   Không chia các quốc gia thành hai phe (như thời kỳ chiến tranh lạnh) mà phân chia các quốc gia trong cộng đồng quốc tế theo tiêu chí mới. Đó là xác định “Đối tác”và “Đối tượng”.  

Sau quan điểm chung: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, Nghị quyết số 28 của T.Ư Đảng Khóa XI (năm 2013) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thay vì xác định “Bạn”- “Thù”, “Địch”- “Ta”, Việt Nam xác định nguyên tắc về “Đối tác” và “Đối tượng”: “Những ai (quốc gia) tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”. “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.

Với Biển Đông, Việt Nam chủ tương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có “Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982”. Việt Nam mong muốn - quá trình tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài các bên cần kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương LHQ và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trong đó có 5 nguyên tắc chung sống hòa bình; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC-2002) và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông (2012).

Tranh chấp ở Biển Đông hiện còn hết sức phức tạp: Có tranh chấp hai bên, như quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; có tranh chấp nhiều bên như với quần đảo Trường Sa; có những vấn đề liên quan đến các nước ở ngoài khu vực như vấn đề hòa bình ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải qua Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam hết sức rõ ràng là những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương; những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì bàn bạc giữa các bên liên quan.

Trên tinh thần đó, Việt Nam tích cực chủ động thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề trên biển. Trong giải quyết vấn đề biển - đảo với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì thực hiện Thỏa  thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10 - 2011, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của mình; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Việt Nam kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và nỗ lực cùng các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tàu thuyền của các nước qua lại Biển Đông phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và hoan nghênh nỗ lực đóng góp của tất cả các nước vào việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.

Có chuyên gia cho rằng Việt Nam với dãy Trường Sơn, phía tây và Biển Đông, phía đông là sự “sắp đặt” thuận theo phong thủy cho sự trường tồn mạnh mẽ của dân tộc.

TS. Cao Đức Thái