Đoàn trưởng đoàn kinh tế - quốc phòng B37, Đại tá Phạm Văn Trung giới thiệu với tôi như thế khi bắt đầu cuộc hành trình đến bản Cu Vơ.

Xe vừa đến đầu bản, chúng tôi đã thấy tiếng trẻ học bài… Trường học bản Cu Vơ nằm ở vị trí đẹp nhất bản. Học sinh bản Cu Vơ quần áo không lấm lem bùn đất và mái tóc khét lẹt mùi nắng mà ngoan hiền, rạng rỡ như những đóa hoa rừng. Hiệu trưởng trường tiểu học Cu Vơ - Dương Mạnh Hùng phấn khởi nói với chúng tôi: “Từ lớp mầm non đến lớp 5, tất cả có 110 học sinh. Các em đi học đều đặn, gia đình các em đều rất quan tâm đến chuyện học hành của các em. Hệ thống cổng trường, hàng rào chung quanh đều do dân bản đóng góp…”. Dân bản Cu Vơ kéo đến đón bộ đội ngày một nhiều, những bàn tay chai sạn mang hơi ấm của lửa rừng cứ nắm chặt tay chúng tôi. Những lời thăm hỏi, mời ở lại với dân bản rộn ràng, ấm cả một khoảng rừng Trường Sơn…

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Hồ Phổ, Trưởng bản Cu Vơ bỗng chốc vui như hội. Bên bếp lửa nhà sàn tỏa hơi ấm, câu chuyện về làng Miệt mới cứ nở tựa ngô rang… Ngày ấy, bản Miệt ở giữa lòng hồ Rào Quán. Khi Nhà nước xây hồ thủy điện, kẻ xấu rỉ tai, cả bản không ai chịu di dời để hồ thủy điện tích nước. Bộ đội B37 đến từng nhà, nói tiếng nói của dân bản, góp gạo, góp tiền ăn cơm cùng dân bản… Một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày sau, dân bản xem bộ đội như con cháu của mình. Người già, người trẻ thổ lộ nỗi niềm với bộ đội: Vùng đất mới mà người dân bản Miệt muốn đến, dù ở rất xa nhưng ngày ngày vẫn thấy lòng hồ, thấy để luôn nhớ đến cha ông đã khai sinh lập bản… Mang theo mong muốn của dân bản, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP B37 cùng với người lớn tuổi, thanh niên trai tráng chia nhau đi tìm đất lập bản mới trên dãy Trường Sơn. Chẳng biết bước chân của họ đã đi qua bao nhiêu con suối, bao nhiêu cánh rừng nhưng khi đến núi Cu Vơ trên đỉnh Trường Sơn thì dân bản bảo “ưng cái bụng”. Già bản thắp nén hương thơm xin với thần núi khai khẩn đất đai và nhận cán bộ, chiến sĩ Đoàn B37 làm con của bản làng.

Tìm được vùng đất “ưng cái bụng” của dân bản, cán bộ, chiến sĩ Đoàn B37 lại tiếp tục cuộc hành trình nhiều ngày trong rừng sâu núi thẳm để mở một con đường dã chiến cho những chuyến xe Zin ba cầu chuyển nhà cho dân bản. Và, tất cả những người dân bản Miệt khi đến với vùng đất mới, ai cũng ngỡ ngàng vì dưới bàn tay cần mẫn của bộ đội B37, những ngôi nhà sàn được dựng lên vững chãi, mặt hướng về lòng hồ thủy điện Rào Quán. Bộ đội Đoàn B37 cùng dân bản xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới . Đôi bàn tay của họ rà phá bom mìn, giúp dân bản khai khẩn đất đai làm lúa nước và trồng cây cà phê… Trưởng bản Hồ Phổ tâm tình: “Bộ đội làm, dân bản làm theo; đàn ông không vào rừng săn con thú, con cá về nhậu suốt ngày như hồi còn ở bản cũ nữa mà biết dạy vợ ở nhà chăm con, chăn nuôi đàn lợn, đàn gà; còn mình thì bám rẫy trồng cà-phê, trồng cây lúa nước. Gia đình Hồ Đà, trước đây nghèo đói triền miên, bây giờ nhờ có 5 sào lúa nước, 500 gốc cà-phê, chăn nuôi thường xuyên 10 con lợn thịt nên cuộc sống đã hết nghèo. Bây giờ, nhà nào trong bản cũng có vườn cà-phê, ruộng lúa nước, nuôi nhiều trâu, bò, lợn, gà nên đời sống đã hơn hồi ở bản cũ rất nhiều. Sắp tới, nơi đỉnh Trường Sơn này, Nhà nước sẽ đưa điện về thắp sáng, xây đập nước cho dân trồng lúa và sinh hoạt. Tất cả đều có sự đóng góp công sức của bộ đội Đoàn B37 đấy…”.

Đêm đã khuya, lửa vẫn cháy bập bùng và chúng tôi vẫn cứ muốn ngồi mãi quanh bếp lửa. Chuyện hôm qua, chuyện hôm nay ở bản Cu Vơ trên đỉnh Trường Sơn - chuyện nào cũng thật vui.

HỒ LINH