Lữ đoàn 125 huấn luyện chiến đấu. Ảnh: Văn Hóa

Tàu 512 là một trong những tàu được lựa chọn xây dựng điểm về chính quy mẫu mực của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Trong bộ tiêu chí xây dựng tàu chính quy mẫu mực, có một tiêu chí rất khó thực hiện, đó là cán bộ, chiến sĩ trong cùng một chuyên ngành, như chuyên ngành hỏa lực, chuyên ngành ra đa, chuyên ngành điện phải thay thế, bổ sung được cho nhau. Có nghĩa là mỗi cán bộ, chiến sĩ không chỉ giỏi và thành thạo công việc của mình mà còn phải nắm được, hiểu được và thực hành được nhiệm vụ ở vị trí khác trong cùng chuyên ngành, khi được phân công.

Theo Thiếu tá Phạm Văn Đạt - Thuyền trưởng tàu 512, đến nay, không những các đồng chí trong cùng một chuyên ngành có thể bổ sung được cho nhau, mà các đồng chí ở các chuyên ngành khác cũng đã bắt đầu học tập lẫn nhau, để sẵn sàng thay thế cho nhau theo yêu cầu nhiệm vụ. Anh giải thích: “Một trong những yêu cầu của tàu chính quy mẫu mực là huấn luyện thay thế. Đến nay, tàu 512 chúng tôi đã cơ bản huấn luyện thay thế được các đồng chí trong ngành, trong tàu. Ví dụ trong huấn luyện của ngành 2, các đồng chí pháo thủ kiêm thủy thủ có thể thực hiện thao tác các bảng bố trí chiến đấu liên quan đến hỏa lực, cũng như trang thiết bị trên mặt bong, các đồng chí cũng sử dụng thành thạo. Do đó, khi có biến động về quân số thì tàu vẫn đáp ứng được các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu”.

Mới được biên chế lên tàu, chiến sĩ Phạm Thế Phong còn rất nhiều bỡ ngỡ vì không gian sinh hoạt học tập trên tàu chật hẹp. Tàu lại có nhiều tầng, nhiều kho, nhiều đường đi lối lại, nếu không chú ý quan sát sẽ khó nắm bắt được các vị trí, nhất là việc cơ động trong đêm tối. Nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn tích cực của cán bộ, chỉ huy tàu mà đến nay, chiến sĩ Phạm Thế Phong đã làm quen được với các nền nếp chính quy mẫu mực trên tàu. Anh Phong vui vẻ kể về những ngày đầu vừa lên tàu: “Các sĩ quan trên tàu hướng dẫn chúng em cách sắp đặt nội vụ vệ sinh, quần áo, giầy dép ở trên tàu. Sáng dậy, sau khi tập thể dục thì lên tàu dọn dẹp. Vào phòng câu lạc bộ là phải để giầy dép ở ngoài. Khi xuống các hầm chiến xa hay là các kho thì phải có cán bộ đi cùng…”.

Theo Thượng úy Nguyễn Trung Nghĩa - Trưởng ngành điện, tàu Trường Sa 10, động cơ máy móc chính là trái tim của con tàu. Và anh được giao nhiệm vụ chăm sóc đặc biệt cho những máy phát điện của tàu. Đến nay, anh có thể thuộc lòng các con ốc, các vị trí đấu nối đường điện phức tạp chằng chịt trên tàu. Để đáp ứng tiêu chí tàu chính quy, thì hệ thống đường điện phải thật đơn giản, vừa cung cấp điện cho toàn tàu, vừa không làm ảnh hưởng đến mỹ quan. Đặc biệt là hệ thống máy phát phải luôn trong tình trạng tốt nhất, cung cấp điện cho tàu thực hiện nhiệm vụ. Công việc kiểm tra thiết bị máy phát điện là việc làm thường xuyên, hàng ngày của Thượng úy Nguyễn Trung Nghĩa. Anh nói về quy trình công việc của mình: “Vận hành một trang thiết bị thìđầu tiên phải đưa thiết bị về trạng thái ban đầu không có điện. Sau đó là kiểm tra về nhiên liệu, nước, dầu nhờn, dầu bôi trơn. Sau đó mới khởi động máy điện, để máy điện ở vị trí không tải từ 5-10 phút cho máy nóng, ổn định rồi mới cấp tải...”.

Đến nay, Lữ đoàn 125 cấp giấy chứng nhận cho nhiều tàu đạt tiêu chí chính quy mẫu mực. Các tàu chưa đạt, đơn vị tiếp tục phấn đấu và quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan. Hơn hết, là để cho cán bộ, chiến sĩ thấy được việc xây dựng tiêu chí tàu chính quy mẫu mực đi vào thực chất, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đại tá Nguyễn Đình Lịch - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125 khẳng định: “Đến nay, Lữ đoàn xây dựng xong bộ 23 tiêu chí tàu chính quy mẫu mực cho 23 tàu của đơn vị; xây dựng 1-2 tàu mẫu làm điểm, sau đó thì rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn Lữ đoàn. Để đánh giá chất lượng, tiến độ xây dựng của các tàu thì hằng quý, Lữ đoàn tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm. Đồng thời cấp giấy chứng nhận tàu chính quy mẫu mực cho các tàu đã đạt tiêu chí đặt ra. Các tàu chưa đạt thì tiến hành kiểm điểm, tìm nguyên nhân và gắn trách nhiệm của người chủ trì các cấp”.

Tàu có chính quy, hành động của các thủy thủ mới thống nhất. Đó là tiền đề quan trọng để trong mọi tình huống, các con tàu có thể rời bến, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

      Văn Lực