Theo gợi ý của bà Vân, tôi tìm hiểu mới vỡ ra. Thủ Thiêm hôm nay thể hiện nghịch cảnh giữa những tòa nhà sang trọng cao ngất ngưởng với những túp lều tranh rách nát của những người dân bản địa không chịu di dời; dân Thủ Thiêm mang tiếng “khiếu kiện dai” ở Thủ đô Hà Nội; dân Thủ Thiêm khóc lóc, nói không tin Đảng bộ, chính quyền sở tại, kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố phải trả lời “giữa dân và chính quyền, ai sai, sai ở đâu?” và đề nghị Chính phủ về thanh tra toàn diện quy hoạch Thủ Thiêm...

Nguyên nhân lại là do Quyết định 367, ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoach tổng thể Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau này Thành phố đã nhiều lần điều chỉnh trái thẩm quyền, dẫn đến Thủ Thiêm bị “biến dạng”. Mà cứ mỗi lần điều chỉnh lại, lại vơi đi một ít niềm tin của dân vào chính quyền.

Ví dụ, khu đất quy hoạch ban đầu được chia thành 8 khu chức năng, trong đó, đất xây dựng các công trình dịch vụ, kinh doanh và nhà ở chiếm 220,77ha (29%); đất cây xanh, thể dục thể thao, bảo tồn thiên nhiên và mặt nước thoáng 362,07ha (47,72%); đất giao thông 169,90ha (23,28%)... Sau này Thành phố điều chỉnh đã loại bỏ chức năng trung tâm hành chính (18ha); tăng chức năng đất ở từ 55ha lên 112ha; giảm khu đất tái định cư; hạ tầng cao tối đa công trình từ 100 tầng xuống còn 86 tầng...

Lại nếu. Nhưng đúng là nếu T.P Hồ Chí Minh nghiêm túc thực hiện Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; nếu Thành phố công khai 13 tấm bản đồ quy hoạch chi tiết kèm theo Quyết định của Thủ tướng để mọi người dân, nhất là những người trong diện giải tỏa đền bù được biết thì đâu đến nỗi phải quanh co nói “thất lạc bản đồ”. Và đâu đến nỗi Thủ Thiêm hôm nay trở thành “điểm nóng” dư luận đến thế?

Nhật Huy