Hoàng thân Saudi Arabia - Badr bin (bên phải), tiếp Tổng thống Syria - Bashar al-Assad tại Jeddah ngày 18-5.
Sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Syria - Bashar al-Assad một cách chính danh tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Arab (AL) theo lời mời của Quốc vương Saudi Arabia - Abdul-Aziz al-Saud, ngày 19-5, tại T.P Jeddah của Saudi Arabia đánh dấu sự trở lại của Syria với cộng đồng Arab. Thế nhưng, xét ở chiều ngược lại, đó chỉ là bề nổi trong chiến lược mới của Saudi Arabia nhằm thoát khỏi vòng ảnh hưởng - chiếc vòng kim cô của Mỹ.
Ở Trung Đông, Israel, chứ không phải Saudi Arabia, luôn là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ. Nhà nước Do Thái phát triển mạnh mẽ từ khi được thành lập trở lại trong bối cảnh các quốc gia Arab vật lộn trong chiến tranh, xung đột và chịu hậu quả nặng nề của “mùa xuân Arab” khiến chính quyền của nhiều nước thay đổi, kinh tế trì trệ.
Trong khi đó, Iran và Syria lại là hai quốc gia bị Mỹ liệt vào danh sách đối địch và bị cấm vận hằng chục năm qua. Việc Saudi Arabia “làm lành” với Iran với vai trò trung gian của Trung Quốc và quá trình bình thường hóa quan hệ với Syria đã diễn ra bất chấp lời cảnh báo liên tục của chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm cả dự luật về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với những các tổ chức và cá nhân ủng hộ chế độ Assad đủ cho thấy Saudia Arabia đã phớt lờ Mỹ.
Ắt hẳn, Saudi Arabia nhận thức rõ hệ quả của việc tìm cách thoát khỏi “vòng kim cô” của Mỹ. Thế nhưng, điều chắc chắn là quốc gia đứng đầu thế giới Arab này đã tính tới những lợi ích lâu dài cho mình cũng như các nước trong cộng đồng Arab. Đối với Iran, nối lại quan hệ với Saudi Arabia và Syria được phép trở lại khối Arab sẽ giúp cả Tehran và Damascus có tính chính danh nhất định trong thế giới Arab, dần dần sẽ tạo ra chính danh trên trường quốc tế. Ngược lại, Saudi Arabia sẽ có cơ hội để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen - cuộc chiến tác động trực tiếp tới an ninh và kinh tế của Riyadh. Bên cạnh đó, việc bình thường hóa quan hệ với Syria có thể là một phần cam kết riêng với Iran, nhưng cũng được coi là nằm trong chiến lược mới của Saudi Arabia nhằm hướng tới chấm dứt chiến tranh và xung đột tại Trung Đông. Thay vì phải đối đầu với Iran, mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia Hồi giáo này sẽ mang lại lợi ích cho cả khu vực.
Chiến lược của Riyadh còn được thể hiện qua mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi nối lại quan hệ với Iran, Saudi Arabiađã khởi động tái thiết lập quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ dù rằng quốc gia từng đi đầu chiến dịch quốc tế chống Riyadh sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul. Sau đó, hàng tỷ USD đã được Saudi Arabia chuyển tới giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với khủng hoảng kinh tế. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua mong muốn “trả lại” cho Syria ít nhất 1 triệu người tị nạn, nhằm xả bớt sức nóng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Để làm được điều này, Ankara sẽ phải nối lại quan hệ với Damascus.
Israel chắc chắn không vui trước những diễn biến nói trên bởi chính nước này cũng muốn tạo ra luật chơi cho khu vực bằng Hiệp định Abraham - chính sách giúp Israel nối lại quan hệ ngoại giao với một số quốc gia Arab. Hơn nữa, việc Saudi Arabia dẫn đầu “lối rẽ” mới sẽ khiến liên minh chống Iran - đối thủ “không đội trời chung” của Israel - đang tan rã. Nhiều khả năng chiến lược Trung Đông mới của Saudi Arabia cũng sẽ hạn chế quyền tự do hoạt động của Israel ở Syria. Trở lại là thành viên của Liên đoàn Arab, sắp nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục được Nga hậu thuẫn; Syria có thể vận động những người bạn mới buộc Israel chấm dứt các cuộc không kích vào lãnh thổ nước này. Một đề nghị như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ đáng kể từ Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Ankara không có lý do duy trì lực lượng ở Syria khi hai bên đàm phán bình thường hóa quan hệ.
Rất khó để tìm được câu trả lời chính xác nhất cho lý do vì sao Saudi Arabia chủ động lạnh nhạt với Washington để rồi tự quyết định hướng đi cho riêng mình. Sau chuyến thăm chính thức Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ - Joe Biden tháng 7-2022, Riyadh vẫn nhanh chóng thực hiện yêu cầu của Washington tăng cường khai thác dầu thô nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường quốc tế sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Nhưng chỉ 3 tháng sau, Saudi Arabialại không chấp nhận ngăn chặn quyết định cắt giảm hạn ngạch sản xuất dầu thô của OPEC như mong muốn của Mỹ.
Tới nay, về mặt quân sự, Saudi Arabia vẫn chủ yếu mua vũ khí, khí tài từ Mỹ. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao và kinh tế lại không như vậy. Việc Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình được đón tiếp với nghi thức Hoàng gia tại Cung điện Al-Yamama ở Riyadh năm 2022 cho thấy Saudi Arabia không hề giấu giếm Mỹ về chính sách ngoại giao cũng như không xin phép hay cân nhắc mối quan ngại của Washington.
Như vậy, quan hệ ngoại giao của Saudi Arabia đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt với cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Lối rẽ quyết đoán này sẽ mang lại lợi ích cho Saudi Arabia và cả Trung Đông khi các quốc gia bắt tay hợp tác thay vì hiềm khích, nghi kỵ lẫn nhau. Thế nhưng, tương lai đó có đạt được hay không lại phải chờ vào hành động của Israel và Mỹ bởi họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi chiến lược của mình bị phá vỡ.
Thanh Huyền