Ông rất có lý khi cho rằng Ngành Văn hóa mà tổ chức những Lễ hội phản cảm chẳng khác gì thầy thuốc cho bệnh nhân uống thuốc độc. Đó là tội rất nặng.
Vấn nạn này, cuối nhiệm kỳ trước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã từng khẳng định: Cái hay, cái đẹp thì giữ lại, còn những cái tạo ra xung đột không cần thiết phải loại bỏ…
Có thể thấy đâu đâu, địa phương nào cũng cố nghĩ ra một lễ hội để “có thêm thu nhập” nên không thiếu những lễ hội nguồn gốc ở địa phương này nay nhân rộng ra hàng chục địa phương khác. Điển hình như Lễ hội chọi trâu gốc ở Đồ Sơn, Hải Phòng tổ chức vào ngày 9-8 âm lịch hằng năm, nay đã lan ra hàng chục địa phương khác, mỗi năm tổ chức vài ba lần, miễn là thu được tiền... Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện mỗi năm cả nước có tới hơn 8.900 lễ hội được tổ chức.
Để đạt lợi nhuận mà hầu hết các lễ hội đã bị lệch chuẩn do đã không đầu tư làm bật dậy các giá trị văn hóa, truyền thống, lại vẽ với, nhấn manh những tình tiết bạo lực, mê tín, dị đoan, cầu may, giải hạn... nhằm mục đích thu hút khách. Lễ hội khai ấn Đến Trần, lễ hội Đền Bà Chúa Kho, “mùi kinh doanh” rất rõ.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lớn về Văn hóa Việt Nam cho rằng: “Lễ hội là một hiện tượng văn hóa luôn luôn được giới hạn rất rõ ràng bởi không gian và chủ thể… của một làng chứ không bao giờ thuộc về một cộng đồng lớn, dành cho tất cả mọi người. Chủ thể của lễ hội là dân của làng đó… Vì lễ hội thuộc về một làng cho nên có lý do, ý nghĩa, mục đích rất cụ thể của nó”.
Cũng chính vì thế mà dẹp lễ hội này, bỏ lễ hội kia chưa hẳn đã “bắt trúng bệnh”. Cốt yếu nhất là “trả lễ hội về làng”. Làng là chủ thể của Lễ hội. Làng mới hiểu đúng lịch sử, truyền thuyết, ý nghĩa lễ hội của làng. Kể cả điều chỉnh, hạn chế những tình tiết chưa phù hợp với nhận thức chung khi “mở cửa” đón khách đến Lễ hội cũng là công việc phải do làng làm mới trúng được.
ĐẶNG HỮU THÂN