Đồng đội một thời gặp nhau, chuyện nở như ngô rang. Anh Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Hội CCB huyện Sóc Sơn là một trong những đơn vị lớn của Hội CCB T.P Hà Nội. “Cháu con cụ Thánh Gióng cả, đánh giặc xong, tụ tập về chân núi Sóc, cởi giáp, cởi mũ, tập hợp đội hình trong Hội CCB thực hiện các nhiệm vụ chính trị-xã hội và làm kinh tế anh ạ!”. Là lính cựu nên đội hình Hội CCB huyện Sóc Sơn ổn định ngay từ những ngày đầu thành lập và liên tục phát triển, đến nay đã có hơn 13.500 hội viên ở khắp 26 xã và thị trấn. Kể cả các Hội khối 487, đến nay huyện đã có 34 tổ chức cơ sở và 211 chi hội, 174 CLB CQN ở khắp các địa bàn, từ xã Nam Sơn, Bắc Phú, Xuân Giang, Đức Hòa, Phù Lỗ, Phù Linh cho đến Tân Dân, Hiền Ninh, Tiên Dược... Trong công tác xây dựng tổ chức Hội, hằng năm, gần 2.000 cán bộ từ chi hội trưởng trở lên ở khắp các địa bàn được tham dự các lớp tập huấn, chế độ sinh hoạt Hội được duy trì nghiêm túc, chất lượng. Các cấp Hội trong huyện đã phối hợp với các ngành hữu quan giải quyết quyền lợi cho 17.322 CCB theo Quyết định 142, 62, 49 với số tiền gần 60 tỷ đồng. Chính từ những hoạt động ấy mà qua bình xét hằng năm, 100% các cơ sở Hội trong huyện đều đạt TSVM, trong đó có 18 cơ sở đạt TSVM xuất sắc, tỷ lệ hội viên đạt hơn 98%... Nói đơn giản vậy, nhưng đó là kết quả hoạt động không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, hội viên huyện Sóc Sơn trong xây dựng tổ chức Hội. Thành tích là vậy, nhưng Chủ tịch Nguyễn Văn Quý vẫn trăn trở “Hội vẫn còn nhiều việc phải làm lắm!”.
Bên cạnh thành tích trong xây dựng Hội, các cấp Hội được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đánh giá cao trong tham gia các công tác chính trị-xã hội ở địa phương, đặc biệt là trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền; trong xóa đói giảm nghèo; trong công tác phối hợp với MTTQ và các đoàn thể bạn; trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ ANQP; giáo dục thế hệ trẻ… Những năm qua, huyện Sóc Sơn đã có những bước phát triển mạnh mẽ về KTXH, đói nghèo đã dần đi vào dĩ vãng. Cùng với sự phát triển của Thủ đô, hàng trăm dự án phát triển KTXH đã được triển khai tại địa bàn huyện, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như Dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Đường 3B Nhật Tân-Nội Bài, dự án mở rộng bãi thải Nam Sơn giai đoạn 2… làm thay đổi diện mạo của huyện. Để đạt được những kết quả đó, các ban, ngành huyện Sóc Sơn nói chung, lực lượng CCB huyện Sóc Sơn nói riêng đã tốn bao mồ hôi, công sức để đi “ba cùng” với người dân, tuyên truyền vận động người dân nhường nhà, nhường đất đai vườn tược, di chuyển mồ mả… để các đơn vị thi công công trình, tránh những khiếu kiện, không đáng có. Những dự án đó tác động đến hàng chục nghìn gia đình, trong đó có hàng nghìn hộ CCB ở các xã Mai Đình, Nam Sơn... nhưng trong suốt quá trình thực hiện không xảy ra “điểm nóng” nào. Khách quan mà nói, so với các đơn vị bạn, Sóc Sơn là huyện còn nhiều khó khăn khi địa hình có núi, có đồi, mặt bằng kinh tế người dân còn thấp… Tại nhiều xã, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới thì ruộng đất manh mún, hiệu quả sản xuất thấp là trở ngại lớn. Dẫn chứng, ở xã Tân Hưng, toàn xã có 1.667 hộ thì sở hữu tới 31.840 thửa ruộng, bình quân mỗi hộ 19 thửa to bé đan xen trên các xứ đồng gây khó khăn cho sản xuất, áp dụng cơ giới vào sản xuất. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và các ban ngành chức năng, Hội CCB huyện và các xã đã vào cuộc, trong đó có các anh, các chị trong BCH Hội CCB xã Tân Hưng. Bước chân các anh đi khắp các gia đình trong xã vận động nhân dân và trước hết là vận động các gia đình CCB gương mẫu thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, không màng thiệt hơn, xung phong nhận những thửa ruộng xa, ruộng khó, nhường ruộng thuận lợi cho người khác; đầu tư tiền vốn, phân bón để phát triển cây trồng có hiệu quả thiết thực, từng bước đi lên sản xuất lớn.
Không chỉ riêng Tân Hưng đâu, mà cả ở các xã khác trong huyện cũng vậy, các CCB đã góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi chủ trương “dồn điền đổi thửa” của huyện. Đây chỉ là một trong nhiều lĩnh vực mà các cấp Hội và hội viên huyện Sóc Sơn tham gia phong trào xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Các số liệu thống kê cho thấy, hội viên ở các địa bàn trong huyện đã tham gia đóng góp 48.765 ngày công, hiến 4.108m2 đất để cùng xây dựng đường giao thông nông thôn. Vẫn biết, ở một số nơi, mỗi mét vuông đất trị giá hàng chục triệu đồng trong khi nhiều gia đình vẫn rất khó khăn nhưng các CCB không chút “lăn tăn”. Về thăm xã Mai Đình, xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện Sóc Sơn, chúng tôi được biết, cả xã có hơn 20 gia đình hội viên tham gia hiến đất cho các công trình công cộng. Anh Hồ Văn Quý ở chi hội Đường 2 chia sẻ: “Vì việc chung mà. Trách nhiệm của người lính Cụ Hồ là vậy!”. Góp phần xây dựng Nông thôn mới, hội viên CCB các xã trong huyện còn tích cực tham gia các đội tuần tra giữ gìn an ninh, hòa giải thành công 274 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân giữ bình yên cho xóm làng. Đến nay, toàn huyện Sóc Sơn đã có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 13 xã đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trong nhiệm kỳ này. Tôi hiểu, còn bao chuyện nữa về những thành tích, về công sức của các CCB huyện Sóc Sơn trong xây dựng tổ chức Hội, trong xây dựng huyện nhà.
Chỉ ít ngày nữa thôi, Hội CCB huyện sẽ tổ chức Đại hội lần thứ VI, những kinh nghiệm hay, những tấm gương đẹp sẽ được nhân lên bội phần.
Hoàng Kim