Hè Thu năm 1969 với chiến thuật “điệu hổ ly sơn”, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 (nay thuộc Quân khu 2) từ Bắc sông Bến Hải vào Tây nam đường số 9, thuộc địa bàn Ba Lòng và Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, như Sư đoàn trưởng Hoàng Đan lúc bấy giờ nói “chọc Mỹ từ các căn cứ ra mà đánh”. Đây cũng là chiến trường mà đơn vị chúng tôi đã từng chiến đấu và giải phóng một vùng rộng lớn từ Mậu Thân 1968.
Sau khi ta dùng pháo cối 120ly, 82ly và ĐKZ bắn vào một số căn cứ địch ở phía Đông Ba Lòng và Hướng Hóa, quân Mỹ bắt đầu dùng các loại máy bay trực thăng đổ quân, cẩu lô cốt, dây kẽm gai chiếm nhiều điểm cao như Động Tri, Đá Bàn, Cu Bốc... Thế là nhiều mục tiêu đã được xác định và chúng tôi cũng đạt được ý định “điệu hổ ly sơn”... Tuy nhiên cách đánh như thế nào khi địa hình phức tạp tương quan lực lượng nhất là pháo binh và không quân Mỹ chiếm ưu thế. Cuối cùng, đơn vị thống nhất phương châm là đánh tiêu diệt, tiêu hao lực lượng “kỵ binh bay” Mỹ là chủ yếu, cách đánh là mật tập.
Sau khi trinh sát thực địa và chuẩn bị chiến đấu, Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn được giao đảm nhiệm hướng chính, có nhiệm vụ tiến công, tiêu diệt địch trên cao điểm Đá Bàn.
Hôm đó, vào trận chiến đấu, sau khi mở xong hai lớp rào kẽm gai, do một số ống bộc phá không nổ và địch bắn chặn cửa mở quyết liệt nên còn một hàng rào bùng nhùng nữa. Trước tình huống khẩn cấp, Đại đội trưởng Đại đội 7 Lê Văn Tiến đã có một hành động ngoài dự kiến của cán bộ, chiến sĩ trước cửa mở. Anh nằm vắt thân trên hàng rão kẽm gai và hô:

  • Các đồng chí đảng viên và đoàn viên hãy dẫm lên người tôi mà vào tiêu diệt quân thù!
    Tiếng hô hòa vào làn lửa đạn. Đội hình còn lại đã bước lên người Đại đội trưởng băng qua rào vào tiêu diệt địch. Tương quan cuối trận đánh càng chênh lệch, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, trong đó có Đại đội trưởng Lê Văn Tiến.
    Đơn vị chỉ hoàn thành nhiệm vụ là tiêu hao sinh lực “Kỵ binh bay” Mỹ trên cao điểm Đá Bàn.
    Hành động, lời hô kêu gọi và sự hi sinh anh dũng của liệt sĩ Lê Văn Tiến đã cổ vũ tinh thần cho bao cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 24 Anh hùng nói chung và đi theo tôi suốt cả cuộc đời binh nghiệp cũng như khi về hưu với cuộc sống đời thường.
    Ghi nhớ chiến công anh, đồng đội ngày ấy còn sống đã phối hợp với đơn vị hiện nay làm đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Lê Văn Tiến. Nguyện vọng ấy của đồng đội, đơn vị và gia đình được toại nguyện. Ngày 23-2-2010, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Lê Văn Tiến.
    Những năm gần đây, CCB Trung đoàn 24 vẫn tổ chức gặp mặt truyền thống vào tháng 8 hằng năm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội). Ngày ấy, chúng tôi không quên mời chị Trương Thị Sở - vợ anh Tiến và cháu Lê Văn Xuân con anh chị (quê Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) về dự. Lần gặp năm 2014, ở tuổi 80, trong niềm xúc động, chị Sở nói:
  • Mẹ con tôi và gia đình vô cùng biết ơn đồng đội, đơn vị của chồng, cha các con tôi, biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc.
    Nguyễn Xuân Luyến (nguyên chiến sĩ E24/F304 Trung tá – CCB)