Theo phong tục của đồng bào người Thái ở Nam Nghệ An, tháng 7 âm lịch hằng năm được coi là tháng kiêng, vì đây là thời điểm ông bà tổ tiên phải lên trời làm việc đến tháng 8 âm lịch mới được trở về hạ giới. Nên để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trong khoảng thời gian này, các gia đình người Thái ở Nghệ An sẽ tổ chức lễ cúng, gọi là Khàu Bủa Sa.

Trước đây, khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thì linh vật cúng tổ tiên có giá trị tượng trưng. Còn khi cuộc sống của đồng bào ở một số bản làng đã khá hơn thì lễ vật Khàu Bủa Sa cũng có phần đa dạng hơn nhiều. Các gia đình thường bày biện đủ đầy các nông sản mình tự chăn nuôi được vào mâm cúng tổ tiên. Thường là mâm cúng sẽ có đầy đủ hoa quả, cá, thịt, rượu... Nhà nào có điều kiện khá giả thì còn mua thêm các vật phẩm hiện đại với quan niệm có càng nhiều đồ cúng dâng lên tổ tiên càng tốt.

Thậm chí đối với đồng bào nơi đây, lễ cúng Khàu Bủa Sa còn quan trọng hơn cả các lễ cúng trong những ngày Tết. Bởi theo quan điểm của họ các ngày lễ, Tết khác tùy theo điều kiện mà có thể tổ chức nhanh gọn, sơ sài, nhưng riêng lễ Khàu Bủa Sa thì phải tổ chức chỉn chu, đầy đủ, vì lễ cúng cho ông bà, tổ tiên mình, nếu sơ sài thì đó là người con bất hiếu. Vào những ngày này, tất cả mọi nhà ai cũng phải làm, nếu trong 1 gia đình có 3 anh em, nhưng đều đã tách ra ở riêng thì cả 3 anh em vẫn phải tổ chức lần lượt mỗi nhà 1 ngày.

Tuy quan trọng như vậy nhưng Lễ Khàu Bủa Sa lại không phải được tổ chức cố định trong một ngày cụ thể mà mỗi dòng họ lại tổ chức lễ Khàu Bủa Sa vào thời gian khác nhau. Trong mâm cúng Khàu Bủa Sa thường có 3 mâm, vì theo quan niệm của người Thái, ngoài cúng tổ tiên bên nhà nội, nhà ngoại của gia chủ, thì thêm một mâm cúng ngoài trời dành cho những người đã khuất nhưng không có con cháu để về, không có chỗ để ăn. Đây là phong tục truyền thống độc đáo mà người Thái lưu truyền lại cho đến ngày nay.

Sầm Thị Tình