Ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, ở Việt Nam có gần 8.000 lễ hội dân gian. Trong đó nhiều lễ hội bị biến tướng, mọc lên nhiều bàn thờ và hòm công đức, tiền giọt dầu tràn lan trên khu vực thờ tự, chồng chất vàng mã... gây mất mỹ quan như ở Chùa Hương, Đền Bà Chúa Kho, Phủ Dầy…
Bên cạnh việc biến tướng lễ hội, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ý kiến về việc tổ chức lễ hội lãng phí. Những lễ hội mang quy mô làng, xã thường được tổ chức tốt hơn vì nó xuất phát từ chính nhu cầu của người dân mà không liên quan đế việc rót kinh phí từ trên. Tuy vậy, việc đua nhau nâng cấp lễ hội đang trở thành căn bệnh hiện nay. Nhiều lễ hội nâng cấp không vì giá trị văn hóa của nó mà bởi mục đích kinh tế.
Ngoài ra, hầu hết các ý kiến trong hội nghị đều cho rằng, nên hạn chế các lễ hội mới như lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Hạ Long… Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, cùng với Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hàng năm các cấp cơ sở cũng phải điều tra xã hội học để điều chỉnh hành vi quản lý lễ hội. Bên cạnh đó, lễ hội cần tổ chức đúng nguyên gốc của nó, đặt tiêu chí lễ hội để trở về với cội nguồn lên hàng đầu. Để ttránh tình trạng thương mại hóa và mất mỹ quan lễ hội, các đền, chùa, di tích chỉ nên đặt một bát hương to ở ngoài, không để nhiều hòm công đức và cấm việc đặt tiền giọt dầu bừa bãi.
Khẳng định việc tổ chức lễ hội hiện nay là tràn lan, Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ điều chỉnh lại tần suất của các lễ hội./.
Hoàng Long