Mấy ngày nay các phương tiện thông tin đại chúng đang đưa ở nhiều góc nhìn khác nhau về tình cảnh tha hương, bất hạnh của không ít những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung lại là số đông lấy chồng qua các công ty môi giới, mà không tìm hiểu kỹ, nhất là tìm hiểu về văn hóa nước đến làm dâu, nên lấy phải chồng già, chồng bị bệnh nan y. Có người lấy chồng, về nhà chồng chủ yếu trông nhà, chăm nom phục vụ bố mẹ già. Có người gia đình nhà chồng không cho đi làm vì còn trẻ sợ bỏ con họ, đi với người khác...
“Đi mắc núi, về mắc sông”, cá biệt đã có những cô dâu bị chồng hành hạ đến chết. Đáng chú ý là một phóng sự trên truyền hình phỏng vấn các “cô dâu Việt”, thì hầu hết nói bất hạnh; nói đi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; đi để thoát nghèo.
Thương quá. Đi lấy chồng - một trong ba việc hệ trọng nhất của cuộc đời, như các cụ xưa ví “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, mà đơn giản thế thì sao có được hạnh phúc. Nghĩ mà xót xa.
Bố mẹ, người thân của các em; các tổ chức, các đoàn thể… rồi những năm cắp sách đến trường, dường như không giúp được các em nhiều lắm trên con đường đi tìm hạnh phúc lứa đôi của mình, để các em đơn độc “sang sông”
Đất nước đã độc lập thống nhất gần 40 năm rồi, mà đời sống của nhân dân ta ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn, thậm chí cá biệt đến mức phải bỏ quê đi tìm “miền đất hứa” nơi đất khách quê người, thì thật không khỏi băn khoăn.
Mỗi chúng ta - nhất là những nhà lãnh đạo, quản lý, những cán bộ, đảng viên “công bộc” của dân rất phải thấy trách nhiệm của mình lo mà xây dựng đất nước ta sao cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để người dân bớt khổ hơn thì độc lập, tự do mới có giá trị đích thực. Đúng như lời Bác dạy: Nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.
Nhật Huy