Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định việc tàu Trung Quốc xâm phạm ngư trường của Việt Nam đã diễn ra từ lâu. Song, gần đây mức độ trở nên rất nghiêm trọng.

Hội nghề cá cho rằng cần tổ chức lại sản xuất để ngư dân an toàn khai thác thủy sản. Về lâu dài mô hình tàu mẹ - tàu con sẽ rất hiệu quả. Cần có tàu lớn hỗ trợ bảo vệ, phục vụ hậu cần, vừa thu mua hải sản tại chỗ để ngư dân bám biển dài ngày. "Hoạt động đánh cá của ngư dân theo mùa vụ, do đó các tàu cần phát triển theo hướng đa nghề như nghề câu, lưới chuồn, cào...".

Khoảng 2 năm nay, mô hình đội ngư tàu ra khơi đánh bắt dài ngày đã được một số địa phương triển khai. Theo đó nhiều tàu đánh cá liên kết lại thành một nhóm, phân công nhiệm vụ để hỗ trợ lẫn nhau. Ở Khánh Hòa hiện có hai đội tàu tự quản khá hiệu quả là ngư đội Song Tử Tây và ngư đội Trường Sa Lớn - lấy tên theo những địa danh nổi tiếng của quần đảo Trường Sa. Hai đội chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương.

Ở Khánh Hòa hiện có khoảng hơn 300 tàu đánh cá xa bờ, trong đó có 160 tàu câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên việc hợp tác, thành lập các ngư đội chỉ mới manh nha, chưa có tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó ngư dân Quảng Ngãi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng những tổ tàu tự quản đến liên kết ra khơi. Các đội tàu ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, còn tự nguyện góp quỹ “Tương trợ hoạn nạn” khi hành nghề trên biển. Quỹ này làm nguồn chi phí dự phòng để khi tàu nào gặp rủi ro, tai nạn bất ngờ trên biển thì trích ra hỗ trợ sửa chữa hoặc mua dầu lai dắt tàu bị hỏng hóc về đất liền.

Mỗi nhóm ra khơi ít nhất từ 3 đến 5 tàu cá, nên khi có tàu nào gặp bất trắc thì các tàu còn lại hỗ trợ, thông báo cho thành viên trong tổ biết để chủ động ứng cứu kịp thời.

Nhờ có đội tàu tự quản này mà nhiều trường hợp tàu cá của xã gặp nạn trong bão hoặc bị tàu lạ đâm chìm, các ngư dân được cứu sống. Chẳng hạn như mới đâu tàu cá của ông Đặng Nam bị tàu lạ đâm chìm ở vùng biển giữa Hoàng Sa, thuyền trưởng Huỳnh Thỏ vội đưa tàu đến cứu 9 đồng nghiệp rồi chuyển sang tàu của thuyền trưởng Lê Lùng đưa vào bờ kịp thời cấp cứu.

Cuối tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt đề án Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển Việt Nam. 10 chiếc tàu kiểm ngư sẽ được đóng mới với công suất từ 3.000 CV, trang bị thiết bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9 và dài ngày trên biển. Đội tàu kiểm ngư địa phương cũng được thành lập. Tổng đầu tư gần 2.100 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ từ vốn Trung ương.

Hoàng Linh (TH)