Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (xuân Đinh Mùi, 9/2/1967)

“Vi hành” là từ cũ, từ cổ, chỉ việc vua hoặc một vị quan nào đó giả làm thường dân, trà trộn vào đời thường dân dã của dân để “mắt thấy tai nghe” xem chính sách của mình đi vào đời sống thế nào, người dân cảm nhận, đánh giá về nó ra sao.

“Vi hành” vì thế, giúp vua quan chống bệnh quan liêu, thấu hiểu nhân dân, không bị những kẻ trung gian sàm tấu, che mắt.

Chợt nghĩ, trong dịp Đại hội Đảng các cấp vừa qua hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XIII của Đảng, sao không thấy cấp ủy nào đưa ra tiêu chí người lãnh đạo phải “vi hành” bao nhiêu lần trong một khóa? Đảng ta là đảng cầm quyền, một trong những nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền chính là bệnh quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947 cũng đã gọi bệnh quan liêu là “giặc nội xâm”. Bệnh quan liêu nguy hiểm đến sự sống còn của chế độ, mà muốn khắc phục nó, người cán bộ phải có nhiều cách, trong đó “vi hành” vẫn là một phương pháp hiệu quả nhất.

Lại nhớ trong nhiệm kỳ vừa rồi, có bà lãnh đạo cấp bộ, đi “vi hành” ở chợ để nắm bắt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà “vi hành” thì thật đáng quý, nhưng “vi hành” mà báo chí lại biết, lại “mật phục” ở chợ để rồi ghi hình, quay phim và đưa tin trên báo chí ầm ĩ!!! “Vi hành” mà như thế thì có thực sự là “vi hành”?

Lại thấy, có cấp ủy nọ tổ chức cho một lớp cán bộ nguồn đi thực tế ở một xã miền núi. Sau hai tuần “ba cùng” với người dân, hai học viên (cũng là hai cán bộ lãnh đạo) làm báo cáo thu hoạch với cái nhìn khác hẳn nhau. Một học viên nữ thì chỉ nhìn thấy toàn màu hồng, nào là bộ mặt nông thôn khác hẳn trước, điện - đường - trường - trạm khang trang, nhà dân nào cũng có xe máy, tivi, người dân tin tưởng, lạc quan, hạnh phúc... Một học viên nam (cũng ở xã nọ) thì cho rằng, bộ mặt nông thôn tuy có cải thiện nhờ xây dựng nông thôn mới nhưng nợ đọng xây dựng nông thôn mới còn nhiều, điện - đường - trường - trạm tuy được xây dựng nhưng trình độ lao động của nông dân chưa qua đào tạo còn nhiều nên chưa có hướng đi cụ thể cho nâng cao chất lượng sản xuất; các vấn đề xã hội còn nhức nhối, ý thức bảo vệ môi trường của cấp ủy, chính quyền và người dân chưa cao; niềm tin của nhân dân vào Đảng còn chịu nhiều ảnh hưởng do một bộ phận không nhỏ cán bộ ở cơ sở thiếu gương mẫu; trình độ cán bộ ở cơ sở thấp... Kết quả chung cuộc, cả hai học viên trên đều “hoàn thành xuất sắc” chương trình học tập của mình. Nhưng bạn bè cùng lớp thì biết rõ ai mới là người nhìn đúng thực trạng tình hình.

Kể lại những vấn đề trên để thấy, nếu không có một quy định cụ thể, rõ ràng về việc “vi hành” thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo sẽ không coi trọng. Kết quả sẽ “hòa cả làng”, người sâu sát nắm chắc đời sống nhân dân sẽ bị đánh đồng với người xa rời thực tế, “chuồn chuồn đạp nước” trong nắm bắt tình hình. Thậm chí, trong không ít trường hợp, những kẻ quan liêu lại biết làm những báo cáo làm đẹp lòng cấp trên, cho nên họ lại dễ bề thăng tiến hơn là những người suốt ngày chỉ đau đáu việc dân, việc nước.

Hiện nay, chúng ta đã có Luật Tiếp công dân. Theo đó, những người làm việc trong cơ quan Nhà nước, theo quy định của Luật, bắt buộc phải có lịch tiếp công dân. Nhưng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong cấp ủy các cấp, chúng ta mới đề ra quy định phải nêu gương mà chưa có quy định nào về việc người lãnh đạo phải “vi hành”.

Tôi tin chắc rằng, nếu quy chế làm việc của các cấp ủy mà quy định cụ thể về “vi hành”, như số lần phải đi mỗi năm, tiêu chí của địa điểm “vi hành”, nội dung “vi hành”, trách nhiệm xử lý vấn đề sau “vi hành”, công tác bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin của công tác “vi hành”... thì nhất định người lãnh đạo (nhất là bí thư, phó bí thư cấp ủy) sẽ khắc phục được bệnh quan liêu. Hơn nữa, còn tránh được cả việc lợi dụng “vi hành” để đánh bóng bản thân hay sử dụng “vi hành” nhằm mục đích mị dân.

Có người cho rằng, người lãnh đạo có rất nhiều cách để nắm chắc tình hình và thời nay thì việc “vi hành” đã lỗi thời rồi!

Đó chỉ là ngụy biện. Trong các câu chuyện xúc động về Bác Hồ, có rất nhiều chuyện về những lần “vi hành” của Bác. Toàn xã hội chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vậy thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo học phong cách “vi hành” của Bác chính là một việc làm theo thiết thực nhất.

Hà Thanh