Cống đập Ba Lai hoàn thành đã 16 năm nhưng không đạt hiệu quả ngăn mặn, trử ngọt.

Sông Ba Lai là một trong 9 nhánh của hệ thống sông Mê Kông đổ ra biển Đông; là ranh giới hành chính giữa huyện Bình Đại và Ba Tri (tỉnh Bến Tre); giữa Bình Đại và huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).      

Công trình cống đập Ba Lai, dài 544 mét, 10 cửa xả nước vận hành tự động bằng van 2 chiều, tổng kinh phí xây dựng 67 tỷ đồng được thi công từ năm 2000, hoàn thành vào năm 2004 trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân vùng quê biển. Vì theo lý thuyết, dự án sẽ ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 193.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 100.000 ha đất canh tác; kiểm soát mặn cho 20.100 ha đất nuôi trồng thủy sản. Dự án còn góp phần hình thành trục giao thông bộ giữa 2 huyện Ba Tri, Bình Đại và phát triển mạng lưới giao thông thủy bộ trong khu vực. Đó là chưa nói,  từ Dự án này 5 nhà máy nước (Thới Lai, Long Định, Tân Mỹ, Ba Lai, Trung Thành) sẽ ra đời phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho 15.300 hộ dân, tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất lúa, năng suất dừa vốn là mặt hàng chiến lược của tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên đó là “công trinh trên giấy”. Còn công trình thực thì  đã 16 năm khánh thành vẫn chưa  phát huy tác dụng khiến chính quyền địa phương và nhân dân rất bức xúc. Nhất là năm nay nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Giao Hòa, sông Hàm Luông và kênh Chẹt Sậy đổ vào khiến dòng sông Ba Lai bị nhiễm mặn nghiêm trọng làm cho công trình càng trở nên “ngang tai, trái mắt”.  

Thi công đập ngăn mặn “ dã chiến” trên sông Ba Lai để ngăn mặn từ đầu năm 2020

Mấy tuần trước, để đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân và hoạt động cấp nước của các nhà máy nước, địa phương đã phải quyết định đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai ngay khu vực gần cầu Ba Lai cũ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Điền- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết việc đắp các đập tạm tạo hồ chứa nước trên sông Ba Lai chỉ là công trình tạm thời duy trì trong mùa hạn mặn năm nay.  

Vấn đề đặt ra là vì sao một công trình qui mô ngăn mặn bậc nhất khu vực ĐBSCL với nguồn kinh phí xây dựng gần 70 tỷ đồng như cống đập Ba Lai lại không phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt theo dự kiến ban đầu suốt thời gian gần 16 năm qua? Hệ quả là nay lại phải tiếp tục xây dựng đập ngăn mặn “dã chiến” trên sông Ba Lai, vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn nhiều kinh phí.

Đó là thực trạng và nỗi buồn của người dân xứ dừa hôm nay.

Trương Thanh Liêm