Đến Làng Hữu Nghị Việt Nam những ngày này, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một màu xanh đầy sức sống của cỏ cây, những tòa nhà mái đỏ tường vàng đang phơi mình trong nắng - bầu không khí thanh bình quá. Nhưng, hậu quả chiến tranh lại đang ở chính nơi đây với hàng trăm người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Làng. Đưa chúng tôi đi thăm Làng, anh Đặng Vũ Dũng, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam cho biết, sau chiến tranh Việt Nam, với sự cảm thông sâu sắc, ông Gioóc-giơ Mai-dô - CCB Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và vận động nhiều bạn bè CCB ở Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản… tổ chức quyên góp, lập đề án thành lập một trung tâm nuôi dưỡng, chữa trị cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Được Chính phủ Việt Nam nhất trí và giao cho Hội CCB Việt Nam cùng thực hiện, sau thời gian chuẩn bị, năm 1998 Làng Hữu Nghị Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Trong suốt 16 năm qua đã trưởng thành với nhiều thăng trầm khác nhau nhưng việc nuôi dưỡng, điều trị cho các CCB và các cháu thiếu nhi bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin tại Làng vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, nhân viên của Làng hoàn thành xuất sắc; đến nay đã có hàng nghìn lượt CCB, TNXP là nạn nhân chất độc da cam và hàng trăm cháu thiếu nhi bị di chứng chất độc da cam đã và đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Làng. Giám đốc Đặng Vũ Dũng nhớ lại, thời kỳ đầu thành lập, thiếu thốn đủ thứ, cán bộ nhân viên Làng nhiều khi không có lương, nhà xa nhưng vẫn đều đặn đến Làng làm việc vì đồng đội, vì các cháu nạn nhân chất độc da cam; các thành viên Ủy ban quốc gia và quốc tế về Làng Hữu Nghị Việt Nam tại Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh tranh thủ mọi thời gian đi vận động, quyên góp gửi về Việt Nam giúp Làng; đặc biệt là vợ chồng ông Gióoc giơ Mai dô - Chủ tịch Ủy ban quốc tế về Làng Hữu Nghị Việt Nam có lúc đã phải rút hết tiền tiết kiệm của gia đình để gửi gấp sang giúp các cháu thiếu nhi… Những thời điểm khó khăn cũng dần đi qua, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, của các cơ quan đoàn thể, Hội CCB Việt Nam các cấp, của người dân khắp nơi và của hàng ngàn lượt đoàn và cá nhân bạn bè quốc tế đã cùng đến thăm và sẻ chia mọi khó khăn với Làng Hữu Nghị Việt Nam, với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã giúp Làng xây thêm nhà, Bộ Quốc phòng tặng Làng hàng trăm giường tủ, ô tô, xăng dầu; có cụ già dẫn con cháu đến thăm và tặng Làng những bao tải gạo ngon, những túi quần áo cũ; các CCB khắp nơi mang những giống cây quả đặc sản của địa phương mình đến trồng tặng; những thanh niên, học sinh khắp nơi thường xuyên đến thăm, làm tình nguyện tại Làng… Đến với Làng Hữu Nghị Việt Nam, đến với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, ai cũng như mở tấm lòng nhân ái; tri ân những người đã một thời vì nước, vì dân nay đang mang trong mình những vết hằn của cuộc chiến tranh khốc liệt.
Tại Làng, thường xuyên có 120 CCB, TNXP và 40 cháu được nuôi dưỡng, điều trị; trong đó những đoàn CCB các địa phương về điều trị luân phiên theo từng đợt, các cháu được nuôi dưỡng, điều trị và học tập hướng nghiệp đến 18 tuổi, khi có sức khỏe tốt và được học tập hướng nghiệp thì trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Ngoài trung tâm y tế tại Làng, các trường hợp bệnh nặng được kịp thời chuyển Bệnh viện quân đội 103; đảm bảo hậu cần tại Làng có vườn rau sạch, có khu chăn nuôi lợn; có Trung tâm giáo dục hướng nghiệp với các lớp dạy chữ, dạy cắt may, làm hoa, nấu ăn… 24/24 giờ mỗi ngày, các cán bộ, nhân viên của Làng luôn cùng sống, cùng phục vụ các CCB và thiếu nhi bị ảnh hưởng chất da cam về đây điều trị với tất cả trách nhiệm cao cả của mình. Những huân chương, huy chương dành cho Làng nhiều lắm, nhưng lớn nhất vẫn là lòng tin yêu, khâm phục với các thế hệ cán bộ, nhân viên và những người đã chung tay góp sức xây dựng nên Làng Hữu Nghị Việt Nam - biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, của lòng nhân ái với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Từ cánh đồng Lấm ngày nào, giờ đây Làng Hữu Nghị Việt Nam đã xanh màu xanh căng đầy sức sống, cuộc sống đang đơm hoa, góp phần xóa đi những ký ức thương đau của chiến tranh.
Bài và ảnh:
Quốc Huy