Thành phố sẽ giao quỹ đất sạch cho doanh nghiệp theo sát giá thị trường, đổi lại doanh nghiệp bàn giao lại quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất sạch được giao. Trung tuần tháng ba, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội thí điểm trên.

Dự án này là một quyết sách sử dụng nhiều tiền bạc, sẽ tác động xã hội lâu dài. Đối tượng mà chương trình nhắm đến là 3 triệu sinh viên đại học và 2,5 triệu lao động ở 194 khu công nghiệp trên cả nước. Nếu chính sách lớn này đi vào cuộc sống, hẳn nhiên sẽ tác động tới thị trường. Chí ít là sẽ tiêu thụ một khối lượng lớn sắt thép, xi măng đồ sộ và thu hút hàng trăm nghìn lao động.

Tuy nhiên, thử phân tích, với những đối tượng trên, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lương tối thiểu hiện nay tuy mới được nâng lên cũng chỉ đạt 540.000 đồng/tháng, trong đó “cơ cấu tiền nhà” là 40.550 đồng. Chưa tính sinh viên, là những người còn phải hưởng sự bao cấp của gia đình, hãy kể đến một sinh viên đại học mới ra trường được hưởng hệ số lương tập sự là 2.0, “tiền nhà” có ở trong lương chỉ là 81.100 đồng. Liệu có loại nhà xã hội nào giá thuê rẻ như vậy?

Với những người có thu nhập thấp, quan trọng nhất là giá cả có thể chịu được. Theo ước tính của Bộ Xây dựng, giá thành không quá 7 triệu đồng/m2, tính ra giá một căn hộ loại nhỏ nhất 30m2 cũng lên tới 200 triệu đồng. Thử hỏi sinh viên nghèo, công nhân khu công nghiệp, ai có đủ tiền mua nhà hay bỏ ra một khoản tiền hơn 2 triệu đồng/tháng, để thuê nhà ở xã hội? Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm diện tích nhà ở tăng lên khoảng 30 triệu m2. Năm 2008, diện tích này tăng gần 50 triệu m2 nhưng tiếc thay những người có thu nhập thấp không có cơ may “chen chân” vào những căn hộ sang trọng.

Nhà nước tham gia thị trường nhà ở bằng cách tăng cầu và “lấp đầy” những thị phần mà tư nhân không muốn đầu tư vì chẳng béo bở gì là việc cần thiết. Rất cần những giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía, cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp, ví dụ như chính sách tín dụng hợp lý để các đối tượng có thể “với tới” được nhà ở “chính sách”. Có như vậy thì nhà ở xã hội mới đúng ý nghĩa của nó mà không bị rơi vào những đối tượng đầu cơ hay nhu cầu không cấp thiết.

Ý Thu