Nhưng vừa sang Mỹ, tôi lại đọc được cuốn sách của Phạm Thị Đoan Trang viết với tiêu đề là lạ: “Chính trị bình dân”, nên đọc ngay. Đọc mới thấy đúng là bình dân thật vì phần lớn là sao chép những kiến thức cơ bản về chính trị, cái quan trọng là hiểu cho đúng các vấn đề thì tác giả Đoan Trang lại sai, nhất là phần viết về nhóm những người “đòi thay đổi Hiến pháp”.
Trong bài “Dự thảo Hiến pháp: Thử thách sự sống còn của chế độ” (đăng trên RFA), Nguyễn Huệ Chi - một trong những người cầm đầu nhóm “soạn thảo hiến pháp mới” và vận động chữ ký, viết: “Chúng tôi thấy cần phải đề xuất cho đến cùng. Đến cái chỗ mà dân tộc Việt Nam hiện nay đang mong muốn, quan tâm nhất. Bản kiến nghị này hình thành là như vậy”.
Trước hết, ông Chi không được thậm xưng “dân tộc Việt Nam” như vậy. Riêng một mình tôi, ông đã không thuyết phục nổi sao có thể thuyết phục cả dân tộc Việt Nam? Ông nên nhân danh chính ông và nhóm của ông thôi.
Còn về tư cách của ông, một người “xả rác tri thức” làm loạn xã hội mà tôi đã viết nhiều, nay xin nhắc lại vài điểm cho ông nhớ. Ông đã dùng mọi cách để chống chế độ, kể cả viện dẫn tới Einstein.
Với ngành Hán Nôm, có thể những người không hiểu vật lý sẽ khiếp vía về “chình độ” của ông. Nhưng với tôi và những người nghiên cứu trong ngành Vật lý mà nghe ông viết: “Einstein phát minh ra Thuyết Tương đối đã đưa ra một thời đại mới - Thời đại giải lý tính, thì đúng như tôi đã viết: “Nói vậy chứng tỏ Huệ Chi không những không hiểu mà còn là quá không hiểu!”.
Còn “luật gia” Lê Hiếu Đằng cũng trong nhóm của ông Huệ Chi thì uốn éo khéo hơn: “Chúng ta phải xác định thời kỳ này có phải là thời kỳ xã hội chủ nghĩa hay chưa? Hay là đang trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?”.
Ông Tương Lai - nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cho rằng: “Vận dụng vào điều 6 của Hiến pháp Xô viết để đưa điều 6 của Xô viết vào vì nghĩ rằng sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng trên thực tế thì ngược lại. Thứ nhất, với điều 6 đó thì Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn không tránh khỏi sự sụp đổ”…
Một người điển hình cho thói ngộ chữ, “làm dáng” tri thức rỗng tuếch như ông và các ông mà đòi lập pháp được sao?
Tôi đã không dưới một lần viết phê phán họ, coi họ là “những nhà lật pháp”. Rất nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết người đọc đồng tình với cách gọi của tôi. Tuy nhiên, nay tôi cần phải nói thêm, trước hết giúp Đoan Trang (tác giả của cuốn sách) có cơ sở hiểu hơn về họ.
Triết gia Husserl từng lo ngại khoa học công nghệ sẽ “quên mất con người”. Vì vậy ông đã đưa ra “Hiện tượng học” - một trường phái triết học mới, không duy tâm không duy vật, mà là “làm rõ cảm giác của con người về thế giới này”. Liên tưởng, tôi băn khoăn, hay các nhà “lật pháp” tìm hiểu Hiến pháp Mỹ một cách máy móc, nên mới đòi “quyền làm chủ của nhân dân”, đòi một thứ “tự do” không “theo quy định của pháp luật”, một thứ “tự do” không ràng buộc bởi “trách nhiệm” như thế.
Mỗi thể chế đều gắn liền với lịch sử của một đất nước. Trong hành trình mỗi nước đều có những gập ghềnh. Nhưng không phải cứ có khó khăn là thay hiến pháp, thay chế độ. Như ngay nước Mỹ không lẽ khi thua Việt Nam, khi sa lầy ở Irắc thì họ cũng đòi thay hiến pháp à?
Lịch sử nước ta còn ghi, khi Pháp xâm lược Việt Nam, bắt vua nước ta đi đày, lập ra Liên bang Đông Dương, xây địa ngục trần gian Côn Đảo... Căm thù giặc ngoại xâm, đã có biết bao cuộc kháng chiến của triều đình dưới chế độ phong kiến nhưng đều bị thất bại, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dân ta làm cách mạng mới thành công, giành lại nền độc lập. Thể chế chính trị nước ta đã hình thành từ thực tiễn đó.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta tiếp tục vượt qua những thử thách tưởng như không thể vượt qua được, như thù trong giặc ngoài, lạc hậu, ấu trĩ, nghèo đói, hậu quả chiến tranh… Giờ đây đất nước tuy cũng còn không ít khó khăn, nhưng hầu hết người dân đã có cơm no áo ấm, được học hành. Nếu xã hội, kể cả trong Đảng còn có những khiếm khuyết, sai sót, tệ nạn thì tìm cách sửa chữa, khắc phục, chứ sao lại bỗng dưng kêu gọi xổ toẹt tất cả để làm lại? Trong khi Hiến pháp sửa đổi nước ta đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, nay họ vẫn tiếp tục đeo bám “sửa đổi” với những luận điệu cũ rích như thế, hỏi với động cơ gì?
Cái gọi là “sửa đổi” của họ có khác gì “xây lâu đài trên cát”?
Đông La