Dẫn chúng tôi lên căn phòng trên tầng 2 nhà của ông tại phường Khuê Trung, TP. Đà Nẵng, Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng giới thiệu những hình ảnh, kỷ vật mang ý nghĩa, giá trị đặc biệt mà ông trân trọng lưu giữ được trong thời gian làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Trong chiếc tủ gỗ, ngoài các trang phục hải quân như mũ, áo, bi đông đựng nước… là chiếc võng bằng dù, lưới đánh bắt cá, quả bàng vuông, ốc biển, đá biển... Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng cho biết, để có được chiếc võng bằng sợi dù, bộ đội ta phải vất vả với sóng biển, thu vớt các sợi dây neo đậu tàu thuyền của ngư dân bị đứt, trôi dạt trên biển. Sau đó, anh em chọn lọc phân loại các sợi dây, tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau tuần tra, canh trực để đan thành võng. Ưu tiên võng đan tặng các chỉ huy trước, sau đó đan cho mỗi người làm quà kỷ niệm của đảo xa. Bộ đội ta còn gom nhặt được các tấm lưới trôi dạt trên biển về đan thành những tấm lưới nhỏ làm phương tiện đánh bắt hải sản phục vụ cho bữa ăn hằng ngày và phơi khô làm nguồn thực phẩm cho mùa mưa bão. Trên những con ốc biển, đá biển, quả bàng vuông… bộ đội ta khéo tay khắc và viết lên những dòng chữ, vần thơ ý nghĩa, thủy chung với biển đảo như: “Trường Sa, Hoàng Sa do Tổ tiên Việt Nam xác lập, cắm mốc/ Con Lạc, cháu Hồng nguyện bảo vệ chủ quyền”, “Trường Sa mãi mãi trong tim Bộ đội Cụ Hồ”, “Không xa đâu Trường Sa ơi….”.
Cùng trên bức tường gắn quyết định điều động, quyết định bổ nhiệm các chức vụ trên đảo Phan Vinh và Trường Sa Lớn còn có 36 bức ảnh ghi lại chuyến đi vào tháng 4-2009 của Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP. Đà Nẵng -Nguyễn Viết Hoàng cùng với Đoàn cán bộ các tỉnh, thành ven biển, phóng viên báo chí TƯ, địa phương ra thăm hỏi, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại các đảo trong quần đảo Trường Sa. Thiếu tướng Hoàng cho biết: So với trước đây thì nay trên các đảo chìm, đảo nổi, nhà ở của bộ đội, các công trình văn hóa, thể thao, truyền thống, công trình phòng thủ chiến đấu… đều được Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, xây dựng khang trang, kiên cố. Trạm thu phát truyền thông, tín hiệu thông tin liên lạc, hệ thống quạt gió, pin mặt trời tạo ra điện năng, máy lọc nước biển thành nước ngọt, các loại phương tiện phục vụ sinh hoạt đã đáp ứng kịp thời theo nhu cầu cuộc sống của bộ đội và nhân dân ta trên quần đảo.
Đi cùng năm tháng với biển đảo còn có những lá thư thấm đẫm nước mắt và vị mặn của biển cả. Những lá thư Thiếu tướng Hoàng viết từ đảo xa gửi về gia đình đã bị nhòe từ những giọt nước mắt nhớ thương của người vợ; nhiều lá thư của vợ gửi tới ông cũng bị thời tiết khắc nghiệt nơi đảo xa làm ố vàng, nhiều bì thư, trang thư không còn nguyên vẹn. Song, những con chữ trong đó còn mãi với cuộc đời, cũng như trong ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười, giọng nói của con cháu, chứa chan tình nghĩa vợ chồng, nghĩa tình đồng đội của vị tướng luôn tâm nguyện “Trường Sa mãi mãi trong tim ta”.
Bài và ảnh: Nhân Mùi