Đại tá Trần Quốc Hanh.

Báo tháng 4 - Đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tá Trần Quốc Hanh (ở tòa nhà Berriver, 390, phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội) có rất nhiều kỷ niệm với Điện Biên. Một câu chuyện cảm động là sau nhiều năm tìm kiếm, ông mới gặp được cô gái người dân tộc Thái, bị thương trong vụ thảm sát ngày 25-4-1954 của quân Pháp.

Ngày ấy, vào bộ đội vừa chạm tuổi 20, ông Hanh được biên chế về Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Lúc 5 giờ 30 phút sáng 26-4-1954, khi đơn vị ông đang đào giao thông hào thì địch từ đồn C Hồng Cúm bất ngờ đánh ra và ông bị thương vào bụng, phải chuyển về trạm phẫu thuật tiền phương, của Trung đoàn, được Bác sĩ Nguyễn Nhân mổ cho ông.

Ông nhớ lại: Khi tôi được đưa vào một gian hầm ở Đội điều trị 5A thì trong hầm đã có hai người, một đồng chí thương binh, một cô gái người Thái là nạn nhân của trận bom của Pháp ở bản Noong Nhai. Cô ấy đang khóc, khóc rất nhiều, luôn miệng kêu lên “phò ơi, phà ơi” bằng tiến Thái, tức là “bố ơi, trời ơi”. Thấy cô ấy khóc nhiều, thật thương, tôi nói vọng vào: Cô ơi, đừng khóc nữa, khóc nhiều đau nhiều, khóc ít thì đỡ đau hơn. Không biết cô ấy có hiểu được tiếng tôi không nhưng chỉ lúc sau thì cô ấy im lặng, nếu có khóc thì khóc rất nhỏ...

Sau này, đã nhiều lần lên Điện Biên, ông Hanh đều đến Noong Nhai thắp hương trước tượng đài tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát ngày 25-4-1954 và hỏi thăm về người con gái ấy nhưng không có tin tức gì.

Đến một lần, cùng đoàn CCB Điện Biên lên thăm chiến trường xưa, ông đến nhà một phóng viên TTXVN tại Điện Biên và kể lại câu chuyện về người con gái bị thương năm xưa. Nghe xong câu chuyện của Đại tá Trần Quốc Hanh, vợ của anh phóng viên nói: “Cô gái ấy có thể là bà cô của cháu”.

Theo địa chỉ của vợ anh phóng viên đưa, ông tìm đến một ngôi nhà hai tầng. Lúc đó, trước mắt ông là một bà lão tóc đã bạc, bị mất một bên chân, lết đi từng bước nặng nhọc. Cái chân cụt của bà bất chợt làm sống dậy trong ông một vùng kí ức về những trận quyết chiến ở Điện Biên mấy mươi năm trước. Ông hỏi ngay “Bà bị thương ở đâu, tại sao bà bị cụt cái chân này?”. Bà bảo, ở Noong Nhai đấy. Ông lại hỏi: “Bị thương thì ai đưa bà đi viện? Đầu tiên bà nằm ở lán hay ở hầm?”. Bà trả lời: Bố với bộ đội đưa đi, ở hầm chứ, tí nữa còn chết vì sập hầm, may mà các bác sĩ với bộ đội đưa được tôi ra...

Bà là Lò Thị Phanh, khi quân Pháp chiếm đóng Điện Biên, bà mới chưa đầy 15 tuổi. Ngày 25-4-1954, quân Pháp cho máy bay ném bom hủy diệt nhằm vào dân thường tại trại tập trung Noong Nhai. Bà vẫn nhớ, hôm ấy sau khi nhìn thấy máy bay bay rợp trời, những tiếng nổ chói tai và khói lửa mờ mịt thì bà ngất đi. Tỉnh dậy, bà thấy tất cả đều tan hoang, nhiều người bị thiêu cháy đen thui, những người bị thương thì rên la đau đớn. Gia đình bà ngày ấy có tới 14 người bị chết. Bà may mắn thoát chết nhưng bị thương rất nặng, chân trái bị cụt, chân phải bị mất gót và một mắt hỏng hoàn toàn. Sau này, theo thống kê, vụ thảm sát kinh hoàng ấy đó cướp đi sinh mạng của 444 người, hàng trăm người khác bị thương.

Nghe bà kể lại xong chuyện của mấy chục năm trước trong căn hầm ấy, ông Trần Quốc Hanh tin chắc, người phụ nữ đã ngoại 70 tuổi đang ngồi trước mặt mình chính là người bấy lâu ông vẫn dò hỏi tin tức. Cũng từ đó nghĩa tình giữa anh Bộ đội Cụ Hồ miền xuôi với người phụ nữ dân tộc Thái ở Điện Biên cứ thế nối dài ra. Năm nào lên thăm Điện Biên, Đại tá Trần Quốc Hanh đều vào thăm bà.

Hồng Linh