Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm chỉ là một toà thành có chu vi chưa đầy 2km vuông nhưng đối phương huy động một lực lượng hùng hậu, với sự hỗ trợ của hạm đội 7 Mỹ, máy bay ném bom B-52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Quảng Trị.

Báo tháng 4 - Thắng lợi của chiến dịch tiến công Quảng Trị trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã góp phần làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược "Việt Nam hóa"của Mỹ và VNCH lâm vào tình thế phá sản.

Cay cú vì mất một địa bàn chiến lược quan trọng, địch huy động một lực lượng lớn mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị mang tên "Lam Sơn 72". Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống VNCH lớn tiếng tuyên bố: Quân đội Sài Gòn sẽ cắm cờ trên nóc Thành Cổ Quảng Trị trước ngày 13-7-1972! Thành Cổ Quảng Trị chỉ là một thành lũy bình thường giống như bao thành lũy khác trên đât nước Việt Nam. Nó được khởi dụng từ những năm đầu của Vương triều Nguyễn với chu vi chưa đầy 2.000 mét. Tuy nhiên, ở vào thời điểm của năm 1972, khi mà tận thủ đô nước Pháp xa xôi, cuộc đàm phán Paris đang đi vào hồi kết thì Thành Cổ Quảng Trị lại trở thành tâm điểm cuộc chiến của cả hai bên. Ta thì hạ quyết tâm chiến đấu giữ bằng được Thành; còn kẻ địch thì cố chiếm cho được Thành Cổ bằng mọi giá. Với cả hai phía, Thành Cổ Quảng Trị có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cuộc đàm phán ở Paris, bởi mỗi một chiến thắng trên chiến trường lúc này đều có tác động rất lớn đến kết quả đàm phán. Thành cổ Quảng Trị từ chỗ ít người biết bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Cả thế giới dõi theo cuộc chiến 81 ngày đêm diễn ra ở Thành Cổ.

Như đã biết, ngày 13-7 đã đi qua mà quân đội Sài Gòn vẫn chưa thể "cắm cờ trên nóc thành cổ" như lời tuyên bố hùng hồn của Tổng thống VNCH trước đó.

Để tung hỏa mù hòng giành lợi thế trên bàn đàm phán, Bộ chỉ huy Quân khu 2 ngụy đã bày ra trò đắp một tòa thành giả tại làng Trâm Lý (cách Thành Cổ Quảng Trị khoảng 2km), rồi tổ chức cho quay phim, chụp ảnh, mở chiến dịch tuyên truyền rùm beng ở cả Sài Gòn và ở Paris về cái gọi là chiến tích Quân đội VNCH đã tái chiếm được Thành Cổ Quảng Trị.

Tuy nhiên, màn kịch vụng về đó đã bị thực tế lịch sử phơi bày, để rồi ngày 20-10 phải chấp nhận một bản Dự thảo Hiệp định do Việt Nam DCCH đề xuất. Nhưng cũng phải đến sau cú choáng váng bởi trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Mỹ mới chịu đặt bút ký vào bản Hiệp định chính thức tại Hội nghị Paris vào ngày 27-1-1973.

Phạm Độ