Trong năm thì chi hội họp nhiều lần, nhưng mỗi lần họp để chuẩn bị cho ngày ấy thì từ những CCB tóc pha sương đến các cựu quân nhân, đều trở lại trong đội hình những người lính, nhất là những mái tóc đã điểm bạc như cây lau bời bời kỷ niệm… Họ không nói chuyện ồn ào như những cuộc họp khác, mà trái lại, trong sâu thẳm tâm can của lớp cựu binh, mỗi người đều mang trong mình một niềm ấp ủ: Hình như họ đang nhớ về những đồng đội của mình - người mất, người còn…
Trong ngọn gió heo may lùa từ khe cửa vào phòng họp, những hơi lạnh nhạt nhòa, lãng đãng đang theo họ trở lại những buổi hành quân đi dọc Trường Sơn đại ngàn xanh thẳm; những đêm trên điểm chốt tại Thành cổ Quảng Trị; những vùng đất một thời là chảo lửa, túi bom… Đồng chí chi hội trưởng đang đọc trên tờ báo bài “Trở lại Trường Sơn”. Thường đầu buổi họp là đọc một vài bài báo, hay bài trong cuốn “Thông tin CCB” các hội viên đều chăm chú nghe. Bài này rất sát với chúng tôi, một số cựu binh năm ngoái mới được đi vào thắp hương tại NTLS Trường Sơn: Tôi nhớ nghĩa trang Trường Sơn một ngày cuối tháng ba, sương xuân còn bay lãng đãng. Dưới sự chỉ huy của CCB - nguyên chủ tịch huyện Cẩm Xuyên Dương Xuân Thâu, chúng tôi đi thắp hương trên từng phần mộ của các liệt sĩ quê Hà Tĩnh an nghỉ tại đây. Bước chân ông và chúng tôi chùng xuống sau những hàng bia mộ, cựu chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu nơi địa đầu tuyến lửa cách đây 40 năm. Những việc làm của CCB khiến tôi cứ ngỡ như người thân của họ đang hiện hữu đâu đây. Hình ảnh những mái đầu bạc, ngực lấp lánh huân chương, cúi xuống cầu nguyện giữa bạt ngàn bia mộ trắng phau, nơi đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm - nơi NTLS Đường 9 linh thiêng, giữa những dòng bia mộ nhạt nhòa trong khói hương và sương xuân còn lưu luyến quyện tròn. Về lại chiến trường xưa, những cựu binh chúng tôi quá chừng xúc động, lòng vẫn không khỏi xót xa. Chuyến đi đã cho chúng tôi những cảm nhận sâu sắc về tình đồng đội cao cả. Nhờ có họ mà chúng tôi có được như ngày nay - cảm xúc thật khó tả; chúng tôi còn được trở về với gia đình thân yêu, nhưng đồng đội đã nằm lại nơi này. Có gia đình đã tìm được phần mộ thân nhân về an táng tại quê nhà; một số nay vẫn chưa tìm được mộ. Đã một thời tuổi xuân và khói lửa đi qua. May mắn cho chúng tôi, những người còn sống. Nhớ lắm thương nhiều những đồng đội đã ngã xuống để cho chúng tôi có những ngày trở lại chiến trường xưa. Tôi thực sự xúc động và đọc khẽ mấy câu thơ (mà tôi không nhớ rõ tác giả): “Nhớ lắm thương nhiều anh làm cách mạng/ Em của anh ơi đừng nản tấm lòng/ Ngày thống nhất về tuy không có bóng anh/ Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/ Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh”.
Thực sự đội ngũ cựu binh chúng tôi dẫu về với đời thường, nhưng mỗi lần đến ngày truyền thống CCB Việt Nam hay ngày Quốc phòng toàn dân, ngày giải phóng miền Nam, ngày 27-7; những hình ảnh trên ti vi… đã làm cho chúng tôi vẫn đầy vơi nước mắt, miên man nghĩ đến quá khứ hào hùng… Thương tiếc những người ngã xuống, lại càng thắt chặt, gắn bó thân thiết hơn với những đồng đội còn sống với nhau hôm nay. Những cựu binh trên dưới 70, 80 tuổi lại phải ra đi vì vết thương trở lại hành hạ thân già. Cuộc sống sau chiến tranh của người lính cựu – trong họ, người thì bệnh binh, thương binh đủ các hạng, có người để lại chiến trường một con mắt, một cánh tay, một bàn chân - họ vô cùng khó khăn. Nhưng chất lãng mạn cách mạng vẫn có của người lính Cụ Hồ, khiến các anh vượt lên, hòa nhập với cuộc sống hồn nhiên. Bởi đồng đội năm xưa của họ trong chiến tranh đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ, khó quên. Họ nguyện sống sao cho xứng đáng với người đã ngã xuống - bao chiến công của các anh còn vang dội vào trái tim những người đang sống hôm nay.
Được sự đón nhận, nâng niu của quê hương và những người thân khi các cựu binh trở lại nơi cây đa, giếng nước, sân đình. Họ về với cuộc sống đời thường - thành những người nông dân cày cấy, thu hoạch rau trái trong vườn… lòng mỗi cựu binh lại trào dâng bao nỗi bồi hồi, bởi sau chiến công ở mặt trận là cổng làng, là quê hương thân thương, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và biết bao kỷ niệm của tuổi thơ.
Tôi và nhiều đồng đội đang ngồi trong nhà văn hóa của thôn, nhưng ký ức của họ thì mỗi người một miền nhớ, đang miên man nghĩ về quá khứ hào hùng… đang “Nhớ năm xưa mấy đứa lên đường/ Cùng tuổi trẻ mùa xuân và khói lửa”. Tiếng đồng chí chi hội trưởng nói vang lên làm tôi giật mình: Giờ đọc báo đã xong, chúng ta cùng hát một bài hát để đi vào nội dung chính cuộc họp. Giọng của đồng chí quản ca cất lên “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng/ vùng lên xông pha vượt qua bão bùng…”, cả hội trường vang lên tiếng hát như ngày nào trên đường hành quân ra trận. Những cựu binh ngày ấy là vậy và bây giờ đây họ cũng là những chiến sĩ đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Huy Liệu (Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)