Đã nhiều lần gặp gỡ báo chí, song lần nào bà Viễn cũng không giấu được cảm xúc nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày gian nan, khốc liệt, đau thương mà cả dân tộc cũng như mỗi gia đình Việt Nam phải gánh chịu. Bà kể, năm 1967 khi mới bước sang tuổi 17, bà làm công nhân Nhà máy cơ khí Mai Động. Một hôm, trên đường đi giúp một người bạn sửa nhà, bà bị thương trong một trận ném bom của Mỹ xuống khu vực ô Đống Mác. Hai ngày sau, được người nhà tìm thấy trong bệnh viện là lúc bà biết tin mẹ mình đã mất cũng vì trận bom hôm trước, khi cụ nhường hầm trú ẩn cho một em bé. Anh trai đóng quân xa, bà Viễn vừa đi làm vừa phụ bố nuôi 5 đứa em thơ. Cũng như nhiều công nhân thời chiến, bà tham gia lực lượng tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động. Đơn vị được trang bị súng máy phòng không 14,5 ly với nhiệm vụ bảo vệ nhà máy và phối hợp với hỏa lực của các đơn vị pháo phòng không gần đó.
Trong những ngày máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội, bà Viễn cùng đồng đội thay nhau tiếp đạn cho đơn vị pháo 100 ly ở gần trận địa 14,5 ly. “Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được, khi đó mình mảnh khảnh, sức khỏe không tốt, vậy mà vác quả đạn 100 ly nặng gần 40kg cứ đi băng băng, mọi người thi nhau đi nhanh, tăng chuyến để vác được nhiều đạn cho bộ đội”, bà Viễn nói.
Ngày 22-12-1972, đơn vị của bà được lệnh chuyển từ Mai Động ra Vân Đồn, được bố trí 5 khẩu 14,5 ly, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Minh Giám là bộ đội do Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường. Sau khi làm công tác chuẩn bị như lau chùi, cân chỉnh súng, cắm cọc phương vị..., đơn vị được giao nhiệm vụ đón lõng ở góc phương vị 14.
“Tới xẩm tối, máy bay Mỹ đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, Văn Điển, Giáp Bát... 21 giờ, còi báo động rú vang, máy bay địch xuất hiện, chúng bay thấp dọc theo sông Hồng đúng hướng chúng tôi đón lõng. Trời cuối tháng 12 tối như bưng. Lệnh của anh Giám dõng dạc và đanh: Điểm xạ ngắn, bắn! Tình huống diễn ra quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp bắn một loạt 19 viên, chiếc máy bay Mỹ vút qua đầu, đuôi lóe sáng”-bà Viễn kể. 30 phút sau, Bộ Tư lệnh Thủ đô thông báo: Chiếc F-111A bay theo hướng 14 bị bắn rơi tại chỗ. Bà cùng đồng đội ôm nhau reo hò mà nước mắt cứ giàn giụa. Cả đêm, trận địa của bà không ai chợp mắt. Những ngày sau đó, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tặng hoa chúc mừng đơn vị.
Đang kể, giọng bà Viễn bỗng chùng xuống, đôi mắt buồn xa xăm: “Đang vui mừng, phấn khởi vì chiến công, bất ngờ, tôi suýt suy sụp vì vào đêm 26-12, bố tôi bị bom Mỹ giết hại khi ông đang canh trực ao cá của HTX trong làng Tương Mai. Mãi ba ngày sau tôi mới tìm thấy bố nhưng chỉ còn một phần thân thể... Như vậy, tôi đã mất cả cha lẫn mẹ vì quân xâm lược Mỹ”. Nén nỗi đau riêng, bà chít khăn tang tiếp tục trực trên mâm pháo.
Được biết, trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, bên cạnh những đợt ném bom rải thảm bằng máy bay B52, không quân Mỹ còn sử dụng máy bay F-111A bay rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội để đánh phá. Đây là loại máy bay cực kì hiện đại, chủ yếu dùng đánh lén, đánh bồi vào sân bay ta, săn tìm trận địa tên lửa, pháo cao xạ... Chúng bay rất thấp, luồn lách theo khe núi, triền sông... khiến mục tiêu lẫn vào sóng nhiễu địa hình, địa vật, giảm tối đa khả năng bị phát hiện. Thế nhưng, loại máy bay hiện đại này đã ngã gục trước lưới lửa của những công nhân, nông dân bình thường như bà Phạm Thị Viễn-những người chiến đấu chỉ với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Dù nghỉ hưu, bà Viễn vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương. Nhiều năm, bà làm Tổ trưởng Đảng, Tổ trưởng dân phố, tham gia BCH Hội Phụ nữ khu dân cư, Chi hội CCB, là công dân gương mẫu của phường. Và nay, dù đã sắp thập tuần, bà vẫn vui với những lo toan đời thường của người phụ nữ Việt Nam “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bà là niềm tự hào của bà con khu phố, nơi không ai là không biết và yêu quý nhân vật trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.
Nguyễn Đăng Song