Theo số liệu công bố của Liên Hợp quốc, dân số thế giới đến ngày 22-3-2017 là 7,49 tỷ người. Ước tính dân số thế giới dự kiến đạt 8 tỷ người vào năm 2023 và đạt 10 tỷ người năm 2056. Xếp hạng 20 quốc gia đông dân nhất thế giới tính đến ngày 22-3-2017, đông nhất là Trung Quốc với 1,386 tỷ người, tiếp theo là Ấn Độ với 1,338 tỷ người, Mỹ, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin… và cuối cùng là Thái Lan với 68,2 triệu người. Việt Nam chúng ta xếp thứ 14 với 95,1 triệu người. Trong tương lai gần, dân số châu Phi dự kiến đạt 2,5 tỷ người vào năm 2050, trong khi dân số châu Mỹ chỉ tăng 223 triệu người và đạt 1,2 tỷ người. Châu Á tăng khoảng 900 triệu người để đạt con số 5,3 tỷ, còn châu Âu giảm từ 740 triệu xuống còn khoảng 728 triệu, châu Đại Dương (bao gồm cả Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân) tăng từ 40 triệu lên con số 66 triệu. Hơn 25% dân số thế giới dưới 15 tuổi. Con số này là 41% ở các nước kém phát triển nhất và 16% ở các nước đã phát triển. Nhật Bản có dân số già nhất, với hơn một phần tư công dân lớn hơn tuổi 65...10 nước có tỷ lệ sinh hàng đầu thế giới là các nước châu Phi, với mức 6 trẻ em trên một phụ nữ. Tại châu Âu, con số này là 1,6.Tổng dân số của các nước kém phát triển nhất trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 đạt 1,9 tỷ người. 29 quốc gia sẽ có dân số tăng gấp đôi. 42 nước dự kiến giảm dân số.
Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam chúng ta hiện nay có mức tăng quy mô dân số thấp nhất trong 35 năm qua. Tổng tỷ suất sinh 2,09 trẻ/phụ nữ hiện nay cũng cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam đang tiếp tục giảm và ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh đã lên tới 112,2 bé trai/100 bé gái. Năm 2009, kết quả tổng điều tra cho biết tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,5 bé trai/100 trẻ gái. Theo quan sát, tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao đáng kể so với thành thị. Kết quả này có thể cho thấy mong muốn, áp lực buộc phải sinh con trai cùng với khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn trong những năm gần đây tăng lên. Quy mô gia đình của Việt Nam cũng đang có những thay đổi đáng kể. Cả nước hiện có hơn 24 triệu gia đình, trong đó quy mô gia đình nhỏ (có 2 đến 4 người) là phổ biến nhất (chiếm gần 65%), còn rất ít hộ trên 7 người. Số hộ độc thân chiếm tỷ trọng nhỏ (8%) nhưng đang có xu thế tăng nhanh trong 5 năm trở lại đây. Một thành tựu nổi bật của dân số Việt Nam, theo kết quả điều tra lần này là tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng lên 73,2 năm. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số với chỉ số già hóa lên tới 44,6%. Việt Nam là một trong những nước già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực châu Á, cùng với Thái Lan… sau 12 năm nước ta thực hiện pháp lệnh dân số đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mức sinh tại một số địa phương đã xuống thấp. Trong suốt 50 năm qua chúng ta chủ yếu tập trung xử lý quy mô dân số tăng quá nhanh, kết quả là tránh sinh được gần 20 triệu người trong 20 năm. Mục tiêu đặt ra là đạt mức sinh thay thế 2015; nhưng đến năm 2006 đã cán đích. Theo đó,10 năm qua vẫn duy trì ở mức sinh trung bình 2,1 con. Số liệu từ các cuộc điều tra dân số quốc gia ở Việt Nam cho thấy mức sinh liên tục giảm và đạt mức dưới mức sinh thay thế trong những năm gần đây. Điều này có nghĩa là đã đến lúc chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc cân nhắc ở mức độ rộng hơn về dân số và phát triển.
Thực tế vài ba năm trở lại đây cho thấy, tại nhiều địa phương, với chính sách dân số cởi mở hơn, tỷ lệ sinh con thứ ba, dùng các biện pháp sàng lọc trước khi sinh đang xuất hiện khá nhiều, có những nơi, tỷ lệ bé trai/bé gái lên đến 120/100, tạo nên những bất cập trong tương lai. Cùng với cấp độ quốc gia, mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần chọn lựa phương án tối ưu nhất cho mình, đảm bảo tốt nhất về điều kiện kinh tế, nuôi dạy con khi quyết định số con sinh ra để nuôi dạy cho tốt, để có cuộc sống hạnh phúc và đảm bảo cho phát triển bền vững trong tương lai; phù hợp với mục tiêu Chương trình Dân số quốc gia, Chương trình Dân số thế giới.
Hoàng Kim