CCB Bùi Thị Bích Ngọc (thứ hai phải sang), phường Khai Quang, T.P Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngày 29-11-2006, Quốc hội Khóa XI thông qua Luật Bình đẳng giới. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức Hội và hội viên phụ nữ đấu tranh tự bảo vệ.

Bất bình đẳng giới là vấn đề có tính toàn cầu, đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Biểu hiện của bất bình đẳng giới là việc phân biệt đối xử khác biệt giữa nam và nữ. Qua đó, tạo nên các cơ hội khác nhau về sự tiếp cận các nguồn lực và sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Các công trình nghiên cứu về bình đẳng giới ở nhiều nước đều khẳng định:  Phụ nữ phải phục tùng và phụ thuộc vào đàn ông; thậm chí có những nước cho đến nay còn tình trạng đàn ông được lấy nhiều vợ, nhưng phụ nữ chỉ được lấy một chồng. Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 có đoạn: "Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng...". Tuyên ngôn là vậy, nhưng mãi đến năm 1920 (gần 150 năm sau), người phụ nữ Mỹ mới được đi bầu cử.

Ngay như ở Việt Nam, do hàng nghìn năm Bắc thuộc; dưới chế độ phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào đời sống xã hội của người Việt và còn rơi rớt, nhất là trong quan hệ gia đình, phụ nữ phải theo đạo "tam tòng"; tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (khi ở nhà phải phụ thuộc vào cha mẹ, khi lấy chồng phải phụ thuộc người chồng, khi chồng chết phải phụ thuộc người con trai trưởng). Trong quan hệ vợ chồng, người phụ nữ phải "Phu xướng, phụ tùy" (chồng định làm hoặc nói điều gì, nhất nhất người vợ phải theo); bất kỳ hoàn cảnh nào, người phụ nữ cũng đều bị xem thường: "Khôn ngoan cũng thể đàn bà/ Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông"...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hiến pháp năm 1946 khẳng định: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam mới bảo đảm quyền bình đẳng giới trong xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề bình đẳng nam - nữ là “Cuộc cách mạng khá to và khó”. Vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu vào đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội… Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công"*.

Để bảo vệ quyền của phụ nữ, ngày 18-12-1979, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, nước ta đã ký tham gia Công ước ngày 29-7-1980.  

Thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản bảo đảm quyền bình đẳng giới; bảo vệ, chăm lo tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy sức lực, trí tuệ tham gia xây dựng xã hội, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Cùng với Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới xác định: "Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguần nhân lực. Tiến tới bình đẳng thực chất giữa nam, nữ và củng cố mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình". Luật xác định 6 nguyên tắc về bình đẳng giới; chính sách và nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Luật cũng quy định nội dung cụ thể bình đẳng giới trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ, y tế và bình đẳng trong gia đình. Luật còn quy định các biện pháp bảo đảm; trách nhiệm cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới, trong đó có trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phải thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn để bầu vào các cơ quan dân cử; giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chào mừng "Ngày phụ nữ Việt Nam" (20-10), cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống 93 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam, thiết nghĩ, cấp ủy Đảng, chính quyền, các Hội đoàn thể mà trọng tâm là Hội Phụ nữ các cấp, cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, động viên chị em phụ nữ và các em gái, căn cứ các quy định của pháp luật, dựa vào tổ chức Hội, mạnh dạn đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, đấu tranh thực hiện bình đẳng giới, hôn nhân một vợ một chồng. Vợ chồng cùng có trách nhiệm như nhau trong nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Khép lại bài viết này, xin được nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959: "Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh".

Nguyễn Văn Hán

* Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG sự thật 2011, trang 342.