Tại phường Đội Cung, Vinh, Nghệ An có một con đường mang tên: Nguyễn Tiềm - Ông là Bí thư đầu tiên và cũng là Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất tỉnh Nghệ An. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930) chúng tôi tìm về Nhà lưu niệm để biết thêm về những năm tháng hoạt động cách mạng của ông, mà nay nghe như huyền thoại.  

Khu nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm, ở xóm 1, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã nhuốm màu thời gian, từ con ngõ nhỏ dẫn vào nhà đến cánh cổng, mái ngói… đều phủ nét rêu phong cổ kính, chỉ có  khu vườn thì vẫn tràn ngập sắc xuân, với các loại cây hoa, giàn trâu và hàng cau cao vút.

Sau khi dâng hương, chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Tý (88 tuổi), là cháu của Nguyễn Tiềm tiếp chuyện. Cụ Tý hiện quản trách việc trông nom, chăm sóc khu nhà lưu niệm này.

Lần giở cho chúng tôi xem những trang tài liệu, ghi chép về cuộc đời hoạt động của Nguyễn Tiềm mà gia đình, dòng họ còn lưu giữ được, chúng tôi mới hiểu thêm về cuộc đời hoạt động Cách mạng của các chiến sỹ cộng sản thế hệ cha ông, trong buổi đầu cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước.  

Đồng chí Nguyễn Tiềm sinh ngày 10-11-1912 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại xóm Hạ, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều sĩ phu, danh nhân hào kiệt đầy khí phách của dân tộc. Năm 1926, Nguyễn Tiềm thi đậu vào lớp Đệ nhất, trường Quốc học Vinh. Chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức bóc lột khiến cho Nguyễn Tiềm thấy rõ thân phận tủi nhục của người dân mất nước, bị áp bức.

Thời gian này, các hoạt động yêu nước ở Vinh đã phát triển hết sức mạnh mẽ và lan rộng trong các tầng lớp học sinh. Ngày 27-3-1926, dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, lần đầu tiên Nguyễn Tiềm cùng với học sinh trường Quốc học Vinh hòa vào phong trào quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương... tuần hành quanh thành phố Vinh, tham dự đám tang cụ Phan Châu Trinh tại Vinh - Đây là những hoạt động cách mạng đầu tiên của Nguyễn Tiềm.

Đầu năm 1927, khi Hội Hưng Nam (tiền thân của Đảng Tân Việt) cử người vào Trường Quốc học Vinh lập ra tổ chức Sinh đoàn để đoàn kết, tập hợp thanh niên, học sinh. Nguyễn Tiềm hăng hái gia nhập hội  (Hội kín) và được cử vào Ban Chấp hành.  Vừa hoạt động, Nguyễn Tiềm vừa tìm hiểu sâu hơn về Chủ nghĩa Mác-Lênin; tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...  để tuyên truyền lý tưởng cách mạng trong hàng ngũ học sinh, sinh viên tại Vinh thông qua báo "Hồng Sinh", lưu hành nội bộ. Sau đó, cuối năm1929 Nguyễn Tiềm được chỉ định làm Bí thư chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng; đầu năm 1930 làm Bí thư chi bộ Tổng Sinh hội đỏ; làm Chủ bút  báo "Xích Sinh" vừa tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa đồng thời phê phán những nhận thức sai lệch về Chủ nghĩa Cộng sản của một số tờ báo khác…    

Không chỉ lãnh đạo phong trào học sinh tại Vinh, Nguyễn Tiềm còn đến các trường ở Nam Đàn, Thanh Chương, thị xã Hà Tĩnh, Đức Thọ... để phát triển lực lượng, tuyên truyền giác ngộ học sinh tham gia cách mạng và bị mật thám theo dõi,  đuổi học vì tội tham gia "Hội kín".

Sau khi bị đuổi học, Nguyễn Tiềm tiếp tục hoạt động cách mạng và được Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ chỉ định vào BCH lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An, phụ trách công tác tuyên truyền, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Xứ uỷ Trung kỳ trong phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng.

Tháng 10-1930, BCH lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất, Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh Nghệ An, khi mới vừa bước sang tuổi 18, lại giữa lúc địch tập trung toàn lực thực hiện cuộc "khủng bố trắng" một cách khốc liệt, nhằm phá hoại cơ sở đảng, phá hoại phong trào quần chúng. Nhưng Đồng chí Nguyễn Tiềm đã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

Cuối năm 1931, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ bị địch khủng bố, nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao bị địch bắt.   Nguyễn Tiềm  được Xứ uỷ Trung Kỳ bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ uỷ phụ trách công tác tuyên truyền dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Viết Thuật.

Do làm việc quá sức, lại ăn uống, sinh hoạt kham khổ Nguyễn Tiềm bị đau phổi nặng phải vừa làm việc, vừa chữa bệnh tại một cơ sở Cách mạng ở Bến Đền, cạnh bờ sông Vinh, nhưng đêm 17-10-1931, bị Mật thám và Lính đồn đến bắt đi ngay trên giường bệnh; giam, tra tấn bằng nhiều cực hình tại nhà lao Vinh suốt hai tháng, nhưng Nguyễn Tiềm vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, kiên quyết không khai.  

Ngày 18-1-1932, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đã tuyên án tử hình Nguyễn Tiềm. Trước sức mạnh đấu tranh của Nhân dân đối với bản án, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ buộc phải giảm xuống án khổ sai, chung thân và đày Nguyễn Tiềm vào nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Do chế độ hà khắc tàn bạo của nhà tù thực dân,   ngày 11-10-1932, Nguyễn Tiềm đã hy sinh, khi vừa tròn 20 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Tiềm tuy ngắn ngủi, nhưng đã sớm thể hiện đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của người Cộng sản, cống hiến hết sức quan trọng vào sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, cũng như sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Để ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn, đức hy sinh của một vị lãnh tụ cách mạng tiền bối, Đảng và Nhà nước đã đặt tên cho một con đường tại thành phố Vinh mang tên Nguyễn Tiềm và là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Tuy nhiên, theo cụ Nguyễn Văn Tý, người trông coi, bảo quản và chăm sóc khu nhà Lưu niệm Nguyễn Tiềm, thì kể từ năm 2012 - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tiềm có mấy người ở UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) tới thắp hương. Và cũng từ đó không còn thấy ai đến thăm Khu Lưu niệm Nguyễn Tiềm nữa. , khiến cho khu lưu niệm, dường như rộng ra và trở nên thanh vắng…!

Nghe những lời nói của cụ Tý, chúng tôi không tránh khỏi băn khoăn... Lẽ nào một “địa chỉ đỏ” hiếm thấy như Khu lưu niệm Nguyễn Tiềm, nay lại trở nên thanh vắng đến thế! Thảo nào, hôm chúng tôi tìm về Khu lưu niệm mà hỏi, không một em học sinh nào trong xã biết - mặc dù xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn hiện nay có đầy đủ hệ thống trường học từ  Trung học phổ thông, đến tiểu học, với hằng năm có hàng nghìn học sinh theo học!  

Giá như các trường học trên địa bàn, tổ chức cho các em học sinh được tham quan, học tập ngoại khóa về lịch sử truyền thống địa phương; Tìm hiểu thân thế và hoạt động cách mạng của các bậc tiền bối, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiềm tại khu nhà lưu niệm này, thì chắc chắn đây sẽ là những tiết học rất sinh động, thu hút và bổ ích, góp phần hun đúc thêm tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, rất nhiều.

Bài, ảnh: Thế Sơn