Thành phố đi đầu cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc
Tình hình đặt ra cho lực lượng cách mạng Nam Bộ nói chung và đối với lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định nói riêng trong lúc này là cần có một chủ trương đúng đắn nhằm thống nhất, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của kháng chiến.
Ngày 25-10-1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), đề ra nhiệm vụ lãnh đạo tiến hành công cuộc kháng chiến và củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang cánh mạng ở Nam Bộ, đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời gian này, các lực lượng địa phương do tỉnh, quận thành lập, gồm những người dân yêu nước chân chính tập hợp thanh niên, công nhân, nông dân có tinh thần yêu nước, đứng ra tổ chức bộ đội để bảo vệ địa phương mình. Các lực lượng vũ trang ban đầu chưa thành lập được Bộ chỉ huy thống nhất, nhưng bên trong đều do đảng viên bí mật lãnh đạo, vì vậy đã có sự liên kết với nhau trong chiến đấu. Riêng lực lượng Sài Gòn-Gia Định, Chợ Lớn, Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa đã thống nhất được lực lượng Giải phóng quân liên quận. Bộ chỉ huy gồm các đồng chí Trần Văn Trà, Hoàng Dư Khương, Hoàng Tế Thế, Tô Ký. Bộ đội Gò Vấp, Thủ Đức có các đồng chí Nguyễn Văn Dung, Đào Sơn Tây, Hoàng Minh Thắng, Nguyễn Văn Công lãnh đạo; Bộ đội Biên Hòa do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ đứng đầu. Bộ đội Bà Rịa do các đồng chí Lương Văn Nho, Huỳnh Văn Đạo, Hứa Văn Yên chỉ huy… Để có sự tập trung, thống nhất lực lượng, tạo thành sức mạnh quân sự, lúc này T.Ư Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã phái đồng chí Nguyễn Bình vào Nam Bộ, để thống nhất tổ chức chỉ huy các lực lượng. Như vậy, các lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định và khu vực miền Đông Nam Bộ, do nhân dân và từng đảng viên cộng sản tổ chức, đã thống nhất tổ chức chỉ huy và lãnh đạo từ tháng 11-1945.
Lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định nói riêng, lực lượng vũ trang Nam Bộ nói chung, đã vừa chiến đấu, vừa trưởng thành từ lực lượng bộ đội liên quận, đến các chi đội và đến cấp trung đoàn, Quân khu… đã tạo nên sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng, do Đảng lãnh đạo. Khi thực dân Pháp trở lại gây hấn, Sài Gòn-Gia Định đã đứng lên nổ phát súng đầu tiên vào ngày 23-11-1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, để rồi cùng đồng bào cả nước đánh thắng trận cuối cùng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến oanh liệt nhất của dân tộc, đất nước giành được độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nối liền một dải non sông.

Thành phố lao động, sáng tạo của thời kỳ đổi mới
Trong hơn 40 năm qua, cùng với thực hiện đường lối của Đảng, TP. Hồ Chí Minh đã luôn chú trọng năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn năng lượng, tài chính, môi trường… xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi việc hợp tác với các tỉnh bạn, để tạo nền kinh tế vùng bền vững và phát triển; đồng thời đã chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, hiệu quả.
Nghị quyến 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Từ nay đến năm 2020, xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò Đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, từng bước trở thành Trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…”.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Thành phố đang tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại; nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Cùng với đó, Thành phố thúc đẩy các nhóm ngành dịch vụ, phát triển và quản lý tốt các loại thị trường hàng hóa, đồng thời tập trung phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ và giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Thành phố đã từng bước chú trọng tăng trưởng kinh tế, gắn liền với phát triển văn hóa-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua các chỉ tiêu kinh tế-xã hội cơ bản của nhiệm kỳ, với 7 chương trình đột phá. Bên cạnh 6 chương trình đột phá kế thừa của nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X bổ sung chương trình thứ 7 là chỉnh trang và phát triển đô thị. Trong 7 chương trình đột phá, Thành phố tập trung ưu tiên các mục tiêu như: Xây dựng thành phố có chất lượng cuộc sống tốt; chỉnh trang đô thị; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được tính toán theo chương trình biên soạn mới; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến nền kinh tế sáng tạo...
Với việc vận dụng và phát huy đúng đắn, sáng tạo từ những bài học kinh nghiệm của chiến tranh cách mạng, từ buổi đầu Nam Bộ kháng chiến, sự đoàn kết, thống nhất toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân đã đạt được những thành quả đáng tự hào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố hiện nay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh với quyết tâm chính trị cao nhất, sẽ đem hết trí tuệ và tài năng ra sức xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình; từng bước phát triển trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học-công nghệ của cả nước và khu vực, xứng đáng với thành phố Anh hùng, mang tên Bác Hồ kính yêu.
Vũ Xiêm