Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao Bằng khen tặng cán bộ Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hải Phòng tại hội nghị tổng kết 5 năm chương trình phối hợp (tháng 12-2020).

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cấp hội đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp, gắn với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai hội.

Phối hợp thiết thực, hiệu quả trên các mặt công tác

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đều thống nhất đánh giá: Thực hiện chương trình phối hợp, các cấp hội của hai hội có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trên các lĩnh vực: Tuyên truyền; củng cố, xây dựng phát triển tổ chức hội và hội viên; chăm lo giúp đỡ các nạn nhân tại cộng đồng.

Kết quả công tác phối hợp giữa hai hội trước hết thể hiện trong tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học nói chung, thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam và cựu chiến binh nói riêng.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, hai hội đã tổ chức hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề thông tin tuyên truyền; phối hợp tổ chức mít tinh, diễu hành, phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, tổ chức giao lưu, gặp mặt các nạn nhân tiêu biểu vượt khó vươn lên, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam.

Hai hội tích cực phối hợp vận động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam và gia đình; phối hợp thực hiện các chương trình giúp cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học có nhu cầu được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội; giúp xây mới, sửa nhà theo chương trình của Chính phủ; chăm lo công tác an, điều dưỡng, phục hồi chức năng… Điển hình, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh đã vận động xây mới, sửa chữa 7 nhà cho cựu chiến binh và con cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam. Hai hội còn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại và tuyên truyền quốc tế.

Tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức sơ kết 5 năm (2015-2020) chương trình phối hợp và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2026. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: Kết quả chương trình phối hợp đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về quan điểm, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân đối với công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam; góp phần tích cực tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, thực hiện hiệu quả chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Hội Cựu chiến binh các cấp luôn là chỗ dựa tin cậy, đóng góp tích cực vào sự phát triển và hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp.

Từ thực tiễn ở cơ sở, Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hải Phòng đánh giá cao hiệu quả phối hợp giữa hai hội trong 5 năm qua ở địa phương. Cán bộ, hội viên của hai hội ở nhiều địa phương cũng đều thống nhất cho rằng: Công tác phối hợp đã tạo động lực giúp hai hội hoàn thành toàn diện các mặt công tác, với chất lượng, hiệu quả cao hơn, nhất là việc chăm lo, giúp đỡ hội viên, nạn nhân chất độc da cam. Đây là yếu tố quan trọng tạo sự gắn kết và chất lượng, hiệu quả của công tác phối hợp trong những năm qua.

Chương trình phối hợp giữa hai hội giai đoạn 2021-2026 tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học, về bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; phối hợp hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Phối hợp nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chính sách và tổ chức giám sát thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ; tham mưu, đề xuất xây dựng, củng cố tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp; vận động hội viên Hội Cựu chiến binh tham gia làm cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam, nhất là cấp cơ sở.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa hai hội trong thời gian tới, cần quan tâm nâng cao năng lực, trách nhiệm, mối quan hệ của người đứng đầu của Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng cấp; có cơ chế, quy chế hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn.

Qua chương trình phối hợp, góp phần nhân lên trách nhiệm, nghĩa tình giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và cựu chiến binh, đồng thời khẳng định tổ chức hội và hội viên Hội Cựu chiến binh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp luôn gương mẫu, đi đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua, làm lan tỏa hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: ANH QUÂN