60 năm qua, mỗi dịp tháng 10 lịch sử, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô. Tinh thần đó, cùng với truyền thống nghìn năm văn hiến là nguồn sức mạnh vô tận đã giúp Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, thế hệ tiếp bước thế hệ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10), Báo CCB Việt Nam xin trích đăng bài viết của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mốc son trong lịch sử
Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, có "thế rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông dựa núi", hàng nghìn năm trước đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu nghiệp lớn, từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm, đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt 1000 năm trước và ngày nay là Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam.
Hàng nghìn năm qua, trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một trong những mốc son chói sáng.
Ngày 10-10-1954 đi vào lịch sử, không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội.

Thành phố giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa
Sau ngày Thủ đô giải phóng, quân và dân Hà Nội bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với rất nhiều khó khăn do hậu quả của chế độ cũ: công nghiệp nhỏ bé; hạ tầng thấp kém; tệ nạn xã hội nặng nề; hàng nghìn người không có việc làm; hàng chục nghìn người không biết chữ... Qua 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, lập nên những kỳ tích tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.
Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", quân dân Hà Nội đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, sáng tạo; làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an; duy trì đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Hà Nội đã gan dạ, kiên cường cùng với các quân, binh chủng và các tỉnh, thành phố, lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 chiếc B52, hai chiếc F111, bắt sống nhiều giặc lái. Chiến thắng này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đàm phán tại Pa-ri, buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân về nước, tạo bước chuyển quan trọng và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở trang sử mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.
Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI, tháng 12-1986, đã tạo ra bước ngoặt lớn cho đất nước và Thủ đô. Vận dụng sáng tạo vào thực tế địa phương, Đảng bộ Hà Nội đã cùng cả nước, quyết tâm đổi mới tư duy, từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp; khơi dậy sức mạnh của các thành phần kinh tế, các nguồn lực trong nhân dân. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô đã vượt qua suy thoái, liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, từng bước hiện đại.
Đến năm 2003, so với trước đổi mới, kinh tế Thủ đô tăng 5,1 lần, công nghiệp tăng 5,9 lần, dịch vụ tăng năm lần, nông-lâm-thủy sản tăng 2,4 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần. Tại thời điểm này, Hà Nội chiếm 3,6% về dân số, 0,3% về diện tích, đóng góp với cả nước gần 8% GDP, hơn 10% giá trị sản xuất công nghiệp, 11% giá trị dịch vụ, 10% tổng đầu tư xã hội, hơn 9% kim ngạch xuất khẩu và 14,5% tổng thu ngân sách quốc gia. Sự nghiệp văn hóa-xã hội phát triển mạnh; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở sớm 10 năm so với cả nước; mạng lưới y tế được kiện toàn; môi trường văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất cả nước. Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.
Từ ngày 1-8-2008, Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới; tạo điều kiện để Hà Nội phát triển bền vững, lâu dài.
6 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chiếm 10% cả nước; tốc độ phát triển bình quân đạt hơn 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách tăng hơn 2,8 lần trước khi hợp nhất, bình quân tăng 19%/năm và chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, từ 57 nghìn tỷ đồng năm 2007 tăng lên hơn 163 nghìn tỷ đồng năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 52,3 triệu đồng. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực; diện mạo Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại từng bước trở thành hiện thực. Thành phố đã xây mới 12,6 triệu mét vuông nhà ở; triển khai nhiều dự án xây dựng khu đô thị mới; đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cải tạo, xây mới hơn 4.000km đường giao thông trên địa bàn các huyện. Bộ mặt nông thôn Thủ đô có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị. Văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Nhiều công trình văn hóa, giáo dục được xây mới, như: Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, các trung tâm văn hóa - thể thao, Trường THPT chuyên Hà Nội - Am-xtéc-đam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ... Lĩnh vực y tế được tăng cường đầu tư, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ.

Thủ đô Anh hùng -
Thành phố vì hòa bình
Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống toàn dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, Hà Nội luôn được đồng bào mọi miền đất nước gửi gắm niềm tin yêu và hy vọng. Đoàn Thanh niên Thủ đô là người đề xướng phong trào "Ba sẵn sàng": sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến. "Ba sẵn sàng" đã trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu thanh niên lên đường cứu nước, nhanh chóng trở thành phong trào chung, có sức lan tỏa mạnh mẽ, hòa cùng phong trào "Ba đảm đang", "Năm xung phong" trong cả nước.
Với chiến công vang dội của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, bạn bè thế giới đã khâm phục và ngợi ca Hà Nội là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, gần 100 nghìn người con Hà Nội đã cùng thế hệ trẻ cả nước "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; hơn một phần mười những người ưu tú đó đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. Trong những năm tháng chiến tranh, Hà Nội thật sự là thành trì vững chắc, là hậu phương lớn, chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.
Chặng đường 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh cũng là thời kỳ Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Từ Thành Đại La chu vi khoảng 6km, với hơn 5.000 nếp nhà cách đây 1000 năm, đến ngày giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Thủ đô Hà Nội có diện tích 152,2km2, chỉ có 36 tuyến phố nội thành, bốn huyện ngoại thành, dân số 437 nghìn người. Qua 60 năm, Hà Nội bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008. Hà Nội hôm nay có diện tích 3.328km2, lớn hơn ba lần trước khi mở rộng; dân số hơn bảy triệu người; với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; chiếm 1% diện tích cả nước và 7,6% dân số cả nước. Đảng bộ Hà Nội có hơn 380 nghìn đảng viên, gần bằng một phần mười tổng số đảng viên toàn Đảng, với 60 đảng bộ trực thuộc và 2.945 đảng bộ cơ sở.
Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng và phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình". Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện cho tiền tuyến, Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần gửi thư khen thưởng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương "Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của cả nước"; được Nhà nước ba lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; tặng danh hiệu "Thủ đô Anh hùng". Lực lượng vũ trang Hà Nội hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thủ đô Hà Nội xứng đáng được nhân dân cả nước tin yêu, được bạn bè quốc tế ca ngợi. Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác văn học nghệ thuật, là "niềm tin yêu hy vọng", "ngôi sao mai rạng rỡ", là "trái tim kiêu hãnh", là "bài ca vinh quang"...
Bước sang thiên niên kỷ mới, Thủ đô Hà Nội càng khởi sắc và lớn lên từng ngày. Trên dòng sông Hồng lịch sử và nên thơ, sánh bên cầu Long Biên lịch sử là những cây cầu mới, những đô thị mới hiện đại. Chung quanh hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, cùng với việc nâng niu, giữ gìn vẻ đẹp của Hoàng Thành và 36 phố phường Thăng Long xưa là những công trình mới, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua
Nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn băn khoăn, trăn trở về những việc chưa làm được cùng những yếu kém, khuyết điểm. Kinh tế Thủ đô có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ, nhưng cần phải cố gắng nhiều hơn đến yêu cầu chất lượng và tính bền vững. Thành phố cũng chưa khai thác và phát huy tốt các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế trên địa bàn Thủ đô; việc quản lý quy hoạch, trật tự đô thị vẫn còn nhiều yếu kém. Cải cách hành chính có những tiến bộ vượt bậc, song tính chủ động, năng động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đây đó vẫn còn để xảy ra những vấn đề bức xúc của dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) còn thấp; văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ phát triển chưa tương xứng với yêu cầu. Vẫn còn một số tệ nạn, những hành vi tiêu cực, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu ý thức pháp luật...
Là Thủ đô Anh hùng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội phải luôn nêu cao truyền thống đoàn kết nhất trí, quyết vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Là Thành phố hòa bình, Hà Nội càng quyết tâm xây dựng và nâng cao sức mạnh về mọi mặt, ra sức củng cố và bảo vệ vững chắc môi trường hòa bình để xây dựng Thủ đô và đất nước, luôn bảo đảm ổn định về chính trị, vững chắc về quốc phòng, an toàn về an ninh, kỷ cương về trật tự xã hội trong mọi tình huống.
Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, 15 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", vì tình yêu, danh dự và trách nhiệm với Thủ đô và cả nước, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng nhân dân cả nước vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục lập những thành tích mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phạm Quang NghịỦy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội