Nghe tên Đại tá Bùi Văn Cơ đã lâu, mãi trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tôi mới có dịp ngồi lại với anh. Đó là một người hiền lành, dáng điệu khoan thai. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, anh kể: Quê tôi ở Nho Quan, Ninh Bình, nhập ngũ năm 1963. Năm đầu tôi làm pháo thủ của Trung đoàn 78, Sư đoàn 325, Quân khu 4. Do tích cực rèn luyện và luôn hoàn thành nhiệm vụ, nên tôi được chọn đi học Trường sĩ quan lục quân khóa 16. Khi bế giảng thì đúng dịp nhà trường tuyển học viên đi đào tạo phi công. Thế là tôi lại sang Liên Xô để vào Trường huấn luyện bay và kỹ thuật không quân. Tưởng gặp may mãi, không ngờ tôi bị dầy gan bàn chân không lái máy bay được nên phải chuyển sang học thợ máy và làm trung đội trưởng kiêm chức.
Tháng 12-1967, cùng 300 học viên về nước, tôi giữ chức trợ lý kế hoạch, cơ giới, tiểu đoàn thợ máy, Đoàn Sao đỏ, đóng tại sân bay Nội Bài. Thời gian này chỉ có Đoàn Sao đỏ được trang bị loại máy bay MiG-21. Bắt đầu từ đây, chúng tôi liên tục chuẩn bị máy bay cho các phi công lên chiến đấu với máy bay Mỹ. Một máy bay có 5 ngành phục vụ là: máy bay động cơ, thiết bị hàng không, ra-đa, vô tuyến điện tử và vũ khí hàng không. Ngoài ra còn bảo đảm ghế, dù, cao không… Riêng quần áo cũng có 2 loại gồm bộ kháng áp kín liền từ mũ đến chân dùng cho bay ở độ cao 12.000m trở lên. Bộ kháng áp bình thường chỉ nịt ở bụng và chân là bay dưới độ cao 12.000m. Tiểu đoàn thường xuyên có đại đội bảo dưỡng kỹ thuật tại xưởng ở phía sau; đội lắp ráp và kiểm tra tên lửa; đội sửa chữa nhỏ, bảo quản, bảo dưỡng tại sân bay. Khi chuẩn bị máy bay, việc của ngành nào, ngành đó làm. Khi bàn giao máy bay các ngành cùng ký bảo đảm, sau đó đại đội trưởng ký và giao cho phi công ký nhận.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tôi là đại đội trưởng thợ máy. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến nên ngày nào tôi và đồng chí chính trị viên cũng ra sân bay, kiểm tra và cùng các tổ thợ làm việc. Chuẩn bị máy bay phục vụ chiến đấu cả ban ngày và ban đêm. Ngày 28-12-1972, đại đội chuẩn bị 2 máy bay số 5023 cho đồng chí Lê Kiền, biên đội trưởng bay số 1 và số 5013 cho đồng chí Hoàng Tam Hùng, bay số 2. Hùng sinh năm 1948 ở Thừa Thiên Huế, tạm trú tại Ba Đình, Hà Nội. Hùng nhập ngũ năm 1965, học bay ở Liên Xô 3 năm, là phi công tiêm kích MiG-21, thuộc đại đội 3, Trung đoàn không quân 927. Trước đó Hùng đã không chiến nhiều trận, bắn rơi 1 máy bay RA-5C của Mỹ. Khi học ở Liên Xô, thấy người Nga thường cho con số 13 là không may mắn nên chúng tôi cũng ngần ngại về số máy bay 5013 của Hùng. Như hiểu ý, Hùng động viên tôi: Anh Cơ ạ, em không kiêng số 13 đâu. Anh cứ chuẩn bị tốt là em hoàn thành nhiệm vụ. Chiếc 5013 đã được sử dụng bay trong huấn luyện nhiều giờ, có độ ổn định cao nên chúng tôi quyết định đưa ra trực chiến.
Vào lúc hơn 10 giờ ngày 28-12, hàng chục máy bay Mỹ vào ném bom, đánh phá Hà Nội. Hai máy bay 5023 và 5013 được lệnh cất cánh. Đài chỉ huy dẫn đường cho hai máy bay đón đánh nhiều tốp tiêm kích và cường kích của Mỹ trên bầu trời Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhưng khi tiếp cận mục tiêu thì hai máy bay không liên lạc được với nhau. Không nhìn thấy nhau và không chỉ huy được nhau nên chiếc 5023 do biên đội trưởng Lê Kiền bay số 1 phải thoát ly chiến đấu, hạ cánh an toàn. Chỉ còn một mình Hùng với chiếc máy bay số 5013. Hùng kiên quyết lao vào đội hình máy bay Mỹ và lại tìm chiếc RA5C (máy bay chỉ huy) rồi phóng tên lửa tiêu diệt. Máy bay địch bốc cháy, Hùng định trở về nhưng máy bay Mỹ đã bao vây dày đặc. Anh phải quần đảo nhiều vòng và bắn cháy thêm 1 chiếc F4 nữa rồi hi sinh ngay trên bầu trời cửa ngõ Thủ đô. Những năm sau, chúng tôi tìm hiểu, các phi công Mỹ cùng tham chiến trong trận này đều cảm phục trình độ bay của Hùng. Có tên chứng kiến Hùng tránh được 4 quả tên lửa trong 8 phút. Có tên thú nhận định phóng tên lửa vào máy bay 5013 của Hùng nhưng sợ trúng phải máy bay của đồng bọn mà không dám. Hoàng Tam Hùng đã cùng chiếc máy bay do chúng tôi chuẩn bị mà chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng. Ban đầu Hùng được an táng tại NTLS xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, sau chuyển về NTLS của thành phố thuộc huyện Từ Liêm.
Năm 1998, Đại tá Bùi Văn Cơ được nghỉ hưu về sống cùng gia đình tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hàng năm cứ đến tháng 12, những ngày đánh B52, anh lại cùng đồng đội nhớ tới chiến công của Hoàng Tam Hùng. Với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hoàng Tam Hùng thật xứng đáng là Anh hùng của không quân nhân dân Việt Nam.
Xương Giang